1. Dùng thuốc trị cảm lạnh như thế nào?

Nếu bạn mắc cảm lạnh, có thể giảm triệu chứng nhờ một số loại thuốc trị cảm lạnh không kê đơn, nhưng cần chọn đúng loại thuốc, vì trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại giúp thuốc trị cảm lạnh.

Cảm lạnh có thể gây sốt, ho, ngạt (sổ mũi), đau họng… Các loại thuốc trị cảm lạnh có thể hữu ích nhưng không chắc đã có tác dụng với tất cả mọi người, mà phụ thuộc vào loại triệu chứng mà bạn đang mắc phải, cần điều trị.

- Điều trị sốt: Đối với cơn sốt, có thể sử dụng acetaminophen (tylenol) và ibuprofen (advil, motrin). Ibuprofen (thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid -NSAID), có thể làm giảm viêm và hạ sốt. Tuy nhiên, ibuprofen không tốt cho những người mắc bệnh tim hoặc bệnh thận. Ngoài ra, các bệnh nhân lớn tuổi không nên dùng ibuprofen vì họ có nhiều khả năng mắc các vấn đề sức khỏe mạn tính mà thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sẵn có này.

Acetaminophen có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể, nhưng những người có tổn thương gan cần thận trọng dùng.

- Điều trị đau (đau họng và nhức đầu): Acetaminophen và ibuprofen cũng được sử dụng để điều trị cho những người bị đau đầu và đau họng do cảm lạnh thông thường vì chúng có thể giảm đau.

Ibuprofen điều trị cơn đau bằng cách giảm sản xuất prostaglandin, ảnh hưởng đến mức độ đau, trong khi acetaminophen làm tăng ngưỡng đau của bạn.

Ngoài ra, một số loại thuốc xịt có thể giúp làm dịu cơn đau họng.

 Cách tốt nhất để tránh bị cảm lạnh là có lối sống lành mạnh, ăn uống tốt, tập thể dục đều đặn, kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc.
Cách dùng thuốc trị cảm lạnh tại nhà- Ảnh 1.

Cách tốt nhất để tránh bị cảm lạnh là có lối sống lành mạnh, ăn uống tốt, tập thể dục, kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc.

- Điều trị tắc nghẽn (ngạt mũi): Thuốc thông mũi không chứa phenylephrine có thể hữu ích cho những người bị nghẹt mũi. Ví dụ, sudafed thông thường (không phải sudafed PE) có thể làm giảm tắc nghẽn. Thành phần hoạt chất cần tìm trong thuốc thông mũi là pseudoephedrine có tác dụng thu hẹp các mạch máu trong đường mũi, trị ngạt mũi.

Nhưng thuốc không phải là lựa chọn duy nhất cho những người cần thuốc thông mũi. Người bệnh có thể xịt nước muối vào mũi hoặc dùng bình neti để rửa sạch chất nhầy trong mũi, khắc phục ngạt mũi.

- Trị sổ mũi: Trường hợp bị sổ mũi có thể dùng thuốc kháng histamine.

Các ví dụ phổ biến bao gồm claritin (thành phần hoạt chất là loratadine), allegra (thành phần hoạt chất là fexofenadine) và zyrtec (thành phần hoạt chất là cetirizine).

Thuốc kháng histamine hoạt động bằng cách ngăn chặn histamine được hệ thống miễn dịch giải phóng và có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến dị ứng.

- Trị ho: Nhiều sản phẩm có thể điều trị ho, bao gồm thuốc viên, viên nang chứa chất lỏng hoặc dung dịch lỏng, nhưng nên dùng sản phẩm chứa dextromethorphan. Không nên dùng xi-rô ho hoặc các sản phẩm khác không chứa dextromethorphan để điều trị ho.

2. Những cách khác để điều trị cảm lạnh thông thường

Ngoài thuốc, có thể sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc cho các triệu chứng cảm lạnh.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm cho những người cảm thấy nghẹt mũi, hoặc ngồi trong phòng tắm (mở vòi sen thật nóng) để hít hơi nước cũng có thể mang lại tác dụng tương tự.

- Dùng mật ong: Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mật ong có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh thông thường.

- Nghỉ ngơi thích hợp: Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân khi bị cảm lạnh là nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh. Nếu nghỉ ngơi không đầy đủ tình trạng cảm lạnh có thể trở nên tồi tệ hơn.

Không có cách chữa trị cảm lạnh thông thường, nhưng một số loại thuốc không kê đơn có thể làm giảm các triệu chứng như ho, nghẹt mũi, nhức đầu và sốt... Tuy nhiên cần chọn đúng loại thuốc diều trị các triệu chứng sao cho có hiệu quả nhất.

Theo suckhoedoisong.vn