Nghệ (turmeric) là loại gia vị được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước châu Á từ rất lâu đời. Nghệ còn được gọi là một trong những "siêu thực phẩm" mang lại lợi ích chống oxy hóa mạnh mẽ nhờ hoạt tính gọi là curcumin. Mặc dù curcumin mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng, nhưng một số nghiên cứu cho thấy nghệ cũng có tác dụng phụ tiềm ẩn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các tác dụng chính của nghệ đã được chứng minh hiện nay chủ yếu là chống ôxy hóa, làm lành vết thương, chống viêm, tăng cường sức khỏe tim mạch, bảo vệ gan, ngừa ung thư…

Nghệ còn chứa một lượng sắt và mangan cao cũng như hàm lượng vừa phải của vitamin B6 và kali. Đây đều là những chất có vai trò quan trọng đối với hoạt động trao đổi chất của tế bào và giúp tăng cường miễn dịch.

Sự kết hợp hoàn hảo tăng 'sức mạnh' của củ nghệ - Ảnh 2.

Củ nghệ chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể.

1. Những bất lợi khi sử dụng quá nhiều nghệ

BS. Huynh Wynn Tran (Los Angeles, Hoa Kỳ) cho biết: Trong củ nghệ có tới trên 200 hợp chất khác nhau, trong đó chất quan trọng nhất là curcumin (cumarin) chiếm khoảng 5%. Hợp chất curcumin đã được chứng minh là có tác dụng kháng viêm, giảm đau và cũng có tác dụng làm đẹp da. Tuy nhiên, khi chúng ta ăn nghệ thì cơ thể cũng không hấp thu được nhiều, chỉ được khoảng 1%, còn lại hầu hết đều bị đào thải qua gan.

Theo Ủy ban kết hợp chuyên gia FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA), tiêu thụ không quá 3mg curcumin cho mỗi kg trọng lượng cơ thể (tương đương với 5g bột nghệ với người 50kg) trong một ngày là an toàn.

Curcumin có khả dụng sinh học thấp có nghĩa là cơ thể có khả năng hấp thụ hạn chế, do đó không có nhiều chất này đi vào máu khi được uống. Do đó các nhà sản xuất đã áp dụng công nghệ nano để giúp giữ được nhiều tinh chất cần thiết cho cơ thể.

Có nhiều người ăn/uống các hình thức của nghệ như nghệ tươi, bột nghệ, tinh bột nghệ, nano nghệ với ý nghĩ rằng chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, giúp ngừa ung thư. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều nghệ có thể gây những bất lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, nếu bạn uống viên nang chiết xuất từ nghệ hoặc thực phẩm chức năng chứa nano curcumin với hàm lượng cao lại có thể gây nhiều bất lợi. Cụ thể:

Dùng quá nhiều nghệ dễ gây độc cho gan

Một nghiên cứu mới đây nhất đã cho thấy, dùng với liều lượng cao, curcumin có thể gây độc, đặc biệt là đối với gan. Trong rất ít trường hợp, nghệ được phát hiện là gây tổn thương gan.

Do đó, nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm nào hoặc các vấn đề liên quan đến gan, bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung thêm nghệ vào thói quen hàng ngày của mình.

Ăn nhiều nghệ gây hại cho hệ tiêu hóa

Một nghiên cứu cho thấy chất curcumin gây tiêu chảy, đầy hơi hoặc các vấn đề tiêu hóa khác ở một số ít người. Tác dụng phụ này khá hiếm và rất có thể không đủ lý do để ngừng sử dụng nghệ, nhưng vẫn có thể xảy ra nếu bạn tiêu thụ một lượng lớn nghệ một cách thường xuyên.

Mặc dù nghệ vẫn được biết đến là có tác dụng tốt hỗ trợ tiêu hóa do curcumin kích thích túi mật giải phóng dịch mật, giúp cơ thể dung nạp chất béo và các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy tiêu thụ quá nhiều nghệ có thể dẫn đến đau dạ dày, nhưng tác dụng phụ này rất hiếm.

Sự kết hợp hoàn hảo tăng 'sức mạnh' của củ nghệ - Ảnh 5.

Nghệ cũng có tác dụng giảm chướng bụng.

Tương tác với một số loại thuốc

Có nhiều nghiên cứu cho thấy tiêu thụ quá nhiều curcumin có liên quan đến giảm lượng đường trong máu nên có thể tăng cường tác dụng của các loại thuốc trong điều trị đái tháo đường đường hoặc insulin. Tiêu thụ nhiều nghệ cũng có khả năng làm tăng nồng độ axit trong dạ dày, ức chế hiệu quả của thuốc kháng axit...

Theo BS. Huynh Wynn Tran, một số đối tượng sau nên cân nhắc khi sử dụng nghệ hàng ngày:

- Người đang uống thuốc loãng máu cần hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng nghệ vì nghệ cũng có hoạt chất làm loãng máu. Khi kết hợp nghệ với thuốc làm loãng máu dễ có nguy cơ bị chảy máu và xuất huyết não, đột quỵ nguy hiểm tới tính mạng.

- Người đang điều trị ung thư không nên dùng nghệ vì curcumin có tương tác với một số loại thuốc trị ung thư.

- Người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch không nên dùng nghệ.

2. Cách kết hợp hoàn hảo để tăng cường tác dụng của nghệ

BS. Huynh Wynn Tran cho biết: Khi muốn sử dụng nghệ nên dùng với lượng vừa phải. Tốt nhất nên dùng nghệ tươi thêm vào thức ăn hàng ngày giúp món ăn ngon miệng hơn và để cơ thể hấp thu dần dần. Điều quan trọng nhất trong dinh dưỡng là ăn uống các loại thực phẩm gần với tự nhiên để tránh những chất bảo quản. Nên kết hợp nghệ và tiêu đen giúp hấp thu curmarin dễ hơn.

Một số chất bổ sung nghệ kết hợp chất curcumin với piperine hoặc bioperine (một thành phần của hạt tiêu đen) để tăng cường hấp thụ như: bổ sung nghệ với thực phẩm chứa một ít chất béo lành mạnh (ví dụ như bơ, quả hạch, hạt và dầu) để hỗ trợ quá trình hấp thụ.

Sự kết hợp hoàn hảo tăng 'sức mạnh' của củ nghệ - Ảnh 6.

Kết hợp nghệ với hạt tiêu đen giúp tăng tác dụng chống gốc tự do và tăng hấp thu curcumin.

Ngoài việc sử dụng nghệ để ướp thịt trong các món như cà ri, nướng BBQ hay một số món mặn, bạn cũng có thể thêm nghệ vào sữa, sinh tố hoặc món tráng miệng yêu thích trong một số món ăn sáng, bữa trưa, bữa tối hoặc bữa ăn nhẹ. 

Đây là một món đồ uống chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe mà bạn rất nên thử:

Thành phần:

  • 2 chén nước cốt dừa
  • 1/2 muỗng cà phê bột nghệ
  • 1 nhúm hạt tiêu đen xay mịn
  • 1 muỗng cà phê bột quế
  • 1/8 muỗng cà phê bột nhục đậu khấu
  • 1/8 muỗng cà phê bột đinh hương
  • 1/4 muỗng cà phê chiết xuất vani
  • 1-2 thìa mật ong nguyên chất

Cách làm:

  • Đun nước cốt dừa trên lửa nhỏ.
  • Khuấy đều nghệ, các loại gia vị, vani và mật ong.
  • Chờ cho đến khi tất cả các nguyên liệu tạo thành một hỗn hợp mịn.
  • Chia thành các phần nhỏ.
  • Bạn có thể thêm đá hoặc uống nóng tùy thích.

Lưu ý nghệ tươi ít tác dụng hơn nghệ khô nên cần sử dụng lượng nghệ tươi gấp 4 lần để thay nghệ khô.

Theo suckhoedoisong.vn