1. Vì sao có mụn trứng cá ở lưng?

Mụn trứng cá ở lưng do bã nhờn và tế bào chết tích tụ gây bít tắc nang lông. 

Tình trạng này là do:

- Rối loạn nội tiết tố: Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt ở tuổi dậy thì là nguyên nhân chính. Ngoài ra phụ nữ giai đoạn mang thai cũng có thể bị mụn ở lưng nhiều hơn.

- Tuyến mồ hôi: Khi tuyến mồ hôi hoạt động quá mức cùng với việc vệ sinh lưng không sạch sẽ, khiến bã nhờn và tế bào da chết tích tụ tại lỗ chân lông gây ra mụn.

- Quần áo không thấm mồ hôi: Mặc quần áo với chất liệu không thấm mồ hôi khiến da không được thông thoáng, mồ hôi đọng lại khiến da dễ bị kích ứng, vi khuẩn gây mụn trứng cá phát triển.

- Vệ sinh cơ thể không sạch sẽ: Đặc biệt là do da vùng lưng ít được tẩy sạch trong khi tắm hằng ngày vì tay không thể với tới được hết. Do đó rất dễ dẫn đến lỗ chân lông bị tắc, lớp chất sừng tích lũy gây thành mụn.

Cách khắc phục mụn trứng cá ở lưng - Ảnh 1.

Mụn trứng cá ở lưng thường tập trung ở phần lưng trên, vai, cánh tay...

Ngoài ra còn các nguyên nhân như sử dụng xà phòng giặt quần áo, sữa tắm… không phù hợp gây kích ức da và nổi mụn; do di truyền, thói quen ăn uống (ăn nhiều thực phẩm ngọt, bơ, sữa, lạm rụng bia rượu…), thừa cân, béo phì, hay bị căng thẳng… là các yếu tố có khả năng ảnh hưởng tới tình trạng mụn trứng cá ở lưng.

Mụn trứng cá ở lưng cũng có từ nhẹ đến nặng: Mụn đầu đen, đầu trắng, mụn mủ, nang lông… Nữ giới có mụn trứng cá ở lưng gây mất thẩm mỹ khi mặc váy hai dây, váy hở lưng… nhưng đa số tình trạng này không gây mất thẩm mỹ trực tiếp như ở mặt, do đó không mấy ai quan tâm để điều trị từ giai đoạn sớm.

Nếu để lâu dài và tích tụ lớp sừng trên da lưng nhiều, mụn sẽ lan dần từ lưng trên sang hai vai, cánh tay, xuống lưng dưới… gây ngứa ngáy khó chịu. Trường hợp mụn bọc, mụn mủ sẽ gây đau nhức khi ma sát vào quần áo, khi nằm ngủ… Ở mức độ nghiêm trọng hơn, mụn cũng có nguy cơ gây nhiễm trùng da khiến thời gian điều trị phải kéo dài, gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

2. Cách xử trí mụn trứng cá ở lưng

Xử trí mụn trứng cá ở lưng tùy theo giai đoạn:

- Giai đoạn mới hình thành: Khi mụn trứng cá mới xuất hiện, số lượng mụn còn ít, chủ yếu là mụn không viêm như mụn đầu đen hoặc/và mụn đầu trắng. Xử lý mụn ở giai đoạn này vừa nhanh hết vừa không để lại dấu vết trên da.

- Giai đoạn mụn phát triển ở mức trung bình: Ngoài mụn đầu đen/mụn đầu trắng còn có các sẩn trên da. Các mụn bắt đầu có dấu hiệu viêm xung quanh…

Ở hai giai đoạn này, cách xử trí khá đơn giản tại nhà bằng các cách:

+ Thay đổi lối sống: Uống nhiều nước, ăn thực phẩm lành mạnh.

+ Giữ vệ sinh cơ thể: Hằng ngày đều phải vệ sinh cơ thể, đặc biệt nên sử dụng dụng cụ chà lưng để giúp loại bỏ tế bào chết và chất bẩn tích tụ trên lưng trong suốt 1 ngày hoạt động. Đặc biệt là sau khi vận động, tập thể dục đổ nhiều mồ hôi, cần tắm sạch để loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi, vi khuẩn giúp nang lông được thông thoáng.

+ Mặc quần áo thoáng mát, chất liệu thấm mồ hôi: Sau khi thay quần áo cần giặt ngay giặt bằng xà phòng ít chất tẩy và phơi ngoài trời nắng hoặc sấy khô.

+ Tẩy tế bào chết cơ thể: Mỗi tuần nên tẩy tế bào chết toàn cơ thể hai lần để loại bỏ chất bẩn và dầu thừa, da chết trên da. Sử dụng sản phẩm dịu nhẹ có thành phần như acid salicylic hiệu quả hơn so với việc chỉ dùng sữa tắm.

+ Dưỡng ẩm: Nên dưỡng ẩm toàn thân để da được cấp ẩm đầy đủ. Khi da được cấp ẩm đủ sẽ giúp giảm tiết chất nhờn, từ đó giảm mụn. Nên chọn các sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ, có thành phần không gây mụn và không chứa hương liệu.

Cách khắc phục mụn trứng cá ở lưng - Ảnh 3.

Điều trị mụn trứng cá giai đoạn sớm vừa nhanh khỏi vừa không để lại sẹo.

+ Dùng thuốc không kê đơn: Các thuốc không kê đơn có thành phần benzoyl peroxide có thể sử dụng hằng ngày để kiểm soát tình trạng mụn trứng cá trên lưng và ngăn ngừa mụn tái phát. Hoạt chất retinoid hàm lượng thấp cũng giúp hạn chế mụn. Retinoid phối hợp với benzoyl peroxide sẽ tăng cường hiệu quả điều trị mụn.

Không nên nhờ người khác dùng tay nặn mụn vì có thể gây nhiễm khuẩn khiến tình trạng mụn nặng hơn.

- Giai đoạn nặng: Nếu ở 2 giai đoạn trên mà không điều trị thì mụn diễn biến ở mức nghiêm trọng hơn. Giai đoạn này, mụn trứng cá ở lưng gây viêm nhiễm, sưng tấy đỏ và đau nhức ở vùng da có mụn. Số lượng mụn cũng tăng lên, có trường hợp mụn phủ kín vùng lưng với nhiều mụn mủ, u nang, nốt sần.

Theo suckhoedoisong.vn