leftcenterrightdel
Người già có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao hơn do khả năng điều chỉnh nhiệt kém (Ảnh: Internet) 

Khi thân nhiệt giảm xuống, tim, hệ thần kinh và các cơ quan khác không thể hoạt động bình thường. Nếu không được điều trị, tình trạng hạ thân nhiệt có thể dẫn đến suy tim, suy hệ hô hấp hoàn toàn và nguy hiểm đến tính mạng.

Hạ thân nhiệt thường do tiếp xúc với thời tiết lạnh hoặc ngâm mình trong nước lạnh. Phương pháp điều trị hạ thân nhiệt cơ bản là các phương pháp làm ấm cơ thể trở lại nhiệt độ bình thường.

1. Triệu chứng hạ thân nhiệt

Khi bị hạ thân nhiệt, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:

- Run rẩy, rùng mình

- Nói lắp hoặc lẩm bẩm

- Thở chậm, nông

- Mạch yếu

- Thiếu sự phối hợp về động tác

- Buồn ngủ hoặc năng lượng thấp

- Nhầm lẫn hoặc mất trí nhớ

- Mất ý thức

- Ở trẻ sơ sinh da đỏ tươi, lạnh

- Đến giai đoạn nặng, khi thân nhiệt hạ thấp dưới 28 độ C sẽ làm suy giảm lưu lượng máu đến não, dẫn đến không phản ứng; giảm huyết áp, nhịp tim và cung lượng tim; nhịp tim bất thường; tắc nghẽn trong phổi; mất phản xạ; cuối cùng là suy chức năng tim và phổi.

leftcenterrightdel
Khi bị hạ thân người, người bệnh bị run rẩy, rùng mình, mạch yếu, ... (Ảnh: Internet) 

Người bị hạ thân nhiệt thường không nhận thức được tình trạng của mình vì các triệu chứng thường bắt đầu dần dần. Ngoài ra, người bị hạ thân nhiệt thường bị mất nhận thức nên khả năng nhận biết bệnh thường rất khó.

2. Những yếu tố làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, một số trường hợp sau có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao hơn:

Người già và trẻ em: Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ gây hạ thân nhiệt. Trẻ sơ sinh và người lớn tuổi có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao nhất. Điều này là do khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của những người này kém.

Những người bị bệnh tâm thần và sa sút trí tuệ: Các bệnh tâm thần, chẳng hạn như tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao hơn. Chứng mất trí, hoặc mất trí nhớ mà người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp và hiểu, cũng có thể làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt.

Những người bị suy giảm khả năng phán đoán tinh thần có thể không mặc quần áo phù hợp với thời tiết lạnh. Họ cũng có thể không nhận ra mình đang lạnh và có thể ở bên ngoài nhiệt độ lạnh quá lâu.

Sử dụng rượu bia và các chất kích thích, gây nghiện: Rượu có thể khiến cơ thể bạn cảm thấy ấm bên trong, nhưng nó lại khiến các mạch máu của bạn giãn ra, dẫn đến quá trình thoát nhiệt nhanh hơn. Phản ứng rùng mình tự nhiên của cơ thể giảm đi ở những người đã uống rượu.

Ngoài ra, việc sử dụng rượu hoặc thuốc kích thích có thể ảnh hưởng đến phán đoán về nhu cầu vào trong nhà hoặc mặc quần áo ấm trong điều kiện thời tiết lạnh. Nếu một người say và bất tỉnh trong thời tiết lạnh, người đó có khả năng bị hạ thân nhiệt.

Một số tình trạng sức khỏe khác: Những người bị suy giáp, viêm khớp, mất nước, bệnh tiểu đường, bệnh Parkinson… có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì nhiệt độ thích hợp và khả năng cảm nhận lạnh của cơ thể.

Sử dụng thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần và thuốc chống loạn thần có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.

Thời tiết: Nếu bạn sống ở những khu vực có mức nhiệt cực thấp, nhiệt độ xuống mức âm độ C, khả năng hạ thân nhiệt cao hơn so với bình thường.

3. Cách phòng ngừa tình trạng hạ thân nhiệt vào mùa đông

Hạ thân nhiệt là tình trạng nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng. Vì vậy, để phòng ngừa tình trạng này, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp sau:

Giữ ấm cho cơ thể: Mọi người nên mặc quần áo đủ ấm, đặc biệt là trẻ em và người già. Khi ra ngoài, nên trang bị đầy đủ găng tay, mũ len, khăn quàng, tất…

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên hạn chế cho trẻ ra ngoài, nhất là những ngày nền nhiệt xuống thấp, mưa và có gió mạnh. 

Giữ cho cơ thể khô ráo, nếu chẳng may bị ướt do mưa, nghịch nước… hãy thay quần áo và làm khô người ngay sau đó.

leftcenterrightdel
Giữ ấm cho cơ thể bằng cách mặc đủ quần áo ấm, găng tay, mũ len, khăn quàng... để phòng tránh nguy cơ bị hạ thân nhiệt (Ảnh: Internet) 

Tránh uống đồ uống có cồn và caffeine vì chúng làm tăng quá trình mất nhiệt.

Không nên tắm muộn, khi tắm nên sử dụng nước ấm nóng, tránh việc gội đầu hoặc tắm rửa bằng nước mát.

Ăn uống phù hợp, nên ăn những thực phẩm ấm nóng hoặc những thực phẩm giúp tăng quá trình sinh nhiệt.

Nhìn chung, hạ thân nhiệt là tình trạng nguy hiểm, nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. 

Nếu gặp một người bị hạ thân nhiệt, các bạn nên để người bệnh nằm ở những nơi kín gió, quần áo bị ướt thì cần cởi bỏ, dùng chăn khô hoặc áo choàng làm ấm cơ thể, cho bệnh nhân uống nước ấm. Sau đó, gọi cấp cứu để đưa người bệnh đến bệnh viện. 

Nếu người bệnh không còn dấu hiệu thở hoặc mạch không đập, hãy hô hấp nhân tạo cho họ đến khi có sự trợ giúp y tế. 

Lưu ý, khi sơ cứu cho người bị hạ thân nhiệt, không nên chườm nóng trực tiếp, không cố làm ấm tay hoặc chân vì có thể đẩy máu lạnh về tim, phổi, làm hạ thân nhiệt trung tâm. Không chà sát hoặc xoa bóp quá mạnh để tránh nguy cơ ngừng tim.

Vân Anh (Nguồn: Mayoclinic.org)