Viêm tai giữa là biến chứng từ viêm mũi họng ở trẻ, đây là tình trạng thường xảy ra ở trẻ em do ống eustachian của trẻ bị sưng hoặc bị tắc và giữ chất lỏng trong tai giữa. Chất lỏng bị mắc kẹt có thể bị nhiễm trùng. Ở trẻ nhỏ, ống eustachian ngắn hơn và nằm ngang hơn so với trẻ lớn hơn và người lớn. Điều này làm cho trẻ nhỏ có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh hơn.

Ống eustachian có thể bị sưng hoặc bị tắc vì một số lý do: Dị ứng, cảm lạnh, bệnh cúm, nhiễm trùng xoang, adenoids bị nhiễm trùng hoặc mở rộng, khói thuốc lá, … Vì vậy, vào thời tiết giao mùa, trẻ bị các bệnh hô hấp gia tăng dẫn tới tình trạng trẻ bị viêm tai giữa nhiều hơn.

1. Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em

Khi trẻ bị viêm tai giữa có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

- Khóc, cáu gắt

- Mất ngủ

- Đau tai, đau đầu, đau cổ

- Cảm giác đầy trong tai

- Dịch chảy ra từ tai

- Sốt có thể lên đến 39 độ

- Nôn mửa

- Tiêu chảy

- Thính lực giảm

- Dùng tay kéo vành tai

Cách phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ vào mùa thu đông - Ảnh 1.

Trẻ bị viêm tai giữa có thể sốt đến 39 độ C (Ảnh: Internet)

Khi cha mẹ thấy trẻ có những biểu hiện trên nên đưa con đến bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi tai, mũi họng để có những chẩn đoán chính xác nhất.

2. Viêm tai giữa ở trẻ có nguy hiểm không?

Viêm tai giữa thường được cải thiện nhanh chóng mà không có bất kỳ biến chứng nào, nhưng dễ bị tái lại. Trẻ có thể bị mất thính giác tạm thời trong một thời gian ngắn nhưng sẽ nhanh chóng được khắc phục.

Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách, viêm tai giữa có thể gây ra:

- Nhiễm trùng tai tái phát

- Adenoids mở rộng

- Amidan sưng to

- Thủng màng nhĩ

- Viêm tai giữa mạn lành tính tróc vảy

- Chậm nói (ở trẻ bị viêm tai giữa tái phát)

- Trong một số ít trường hợp, trẻ có thể bị nhiễm trùng xương chũm trong hộp sọ (viêm xương chũm) hoặc nhiễm trùng não (viêm màng não).

Cách phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ vào mùa thu đông - Ảnh 2.

Trẻ bị viêm tai giữa dễ bị tái phát nếu như không được điều trị triệt để (Ảnh: Internet)

3. Điều trị viêm tai giữa như thế nào?

Phần lớn các trường hợp bị viêm tai giữa sẽ tự khỏi mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Thuốc giảm đau và điều trị tại nhà thường được khuyên dùng trước khi dùng kháng sinh để tránh lạm dụng kháng sinh và giảm nguy cơ phản ứng bất lợi do kháng sinh. Phương pháp điều trị cho trẻ khi bị viêm tai giữa bao gồm:

- Chăm sóc tại nhà

Để giảm đau và giúp con cảm thấy dễ chịu hơn, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như:

+ Đắp khăn ấm, ẩm lên tai bị nhiễm trùng

+ Sử dụng thuốc nhỏ tai không kê đơn (OTC) để giảm đau

+ Dùng thuốc giảm đau OTC như ibuprofen (Advil, Motrin) và acetaminophen (Tylenol)

- Dùng thuốc

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau vài ngày, cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Lúc này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho trẻ dùng kháng sinh, cha mẹ nên lưu ý dùng đúng theo liều lượng mà bác sĩ đã hướng dẫn.

Lưu ý, không nên dùng các biện pháp dân gian chưa được kiểm nghiệm tránh dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Cần điều trị một cách dứt điểm để hạn chế tình trạng bị tái phát.

Trường hợp viêm tai giữa nghiêm trọng hơn, bị nhiễm trùng lan rộng và điều trị bằng thuốc nhưng không hiệu quả, người bệnh cần điều trị ngoại khoa như nạo VA, cắt amidan, đặt ống thông khí tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể.

4. Cách phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ

Cha mẹ có thể phòng ngừa viêm tai giữa cho con bằng một số biện pháp như:

- Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Vì trẻ có hệ miễn dịch kém nên sẽ bị vi khuẩn, virus dễ tấn công và gây bệnh.

Đặc biệt, nên có những biện pháp ngăn ngừa trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, … như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng nhiễm bệnh. Vì khi trẻ bị các bệnh hô hấp, khả năng bị viêm tai giữa sẽ cao hơn.

Ngoài ra, nếu trẻ bị viêm mũi họng nên điều trị nhanh chóng và triệt để, như vậy sẽ hạn chế được biến chứng sang tai. 

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nên cho trẻ bú sữa mẹ vì sữa mẹ có kháng thể giúp con chống lại bệnh tật tốt hơn. 

- Tắm gội không để nước chảy vào tai bé, nếu nước chảy vào tai nên vệ sinh tai sạch sẽ bằng cách dùng khăn mềm.

- Không nên dùng tăm bông ngoáy tai cho trẻ vì có thể đẩy ráy tai vào sâu bên trong.

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc.

- Không nên cho trẻ nằm khi uống sữa hoặc ti mẹ tránh để sặc sữa lên vùng mũi, tai.

- Chích ngừa đầy đủ cho bé như cúm mùa, phế cầu khuẩn.

Nhìn chung, vào thời điểm giao mùa thu đông, trẻ thường dễ nhiễm các bệnh hô hấp, sau đó có thể kéo theo tình trạng viêm tai giữa. Cha mẹ nên có những biện pháp phòng bệnh hoặc điều trị đúng cách để tránh việc trẻ bị tái phát nhiều lần hoặc gặp những biến chứng nguy hiểm liên quan đến thính giác của trẻ. 

Vân Anh - Nguồn: Healthline.com