Những người mắc tình trạng tinh hoàn ẩn khi còn bé, có thể có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao gấp 5 đến 10 lần - Ảnh minh họa: Shutterstock
Tiến sĩ Kelvin A. Moses, phó giáo sư tiết niệu tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết nam giới trong độ tuổi từ 13 đến 35 nên tự kiểm tra ung thư tinh hoàn khoảng một tháng một lần.
Tự kiểm tra tinh hoàn là cách dễ nhất để các chàng trai tự kiểm tra “viên bi” của mình để đảm bảo không có bất kỳ cục hoặc khối u bất thường nào có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư tinh hoàn.
Cố gắng kiểm tra mỗi tháng để bạn trở nên quen thuộc với kích thước và hình dạng của “viên bi”. Điều này giúp bạn dễ nhận biết bất kỳ sự khác biệt hoặc bất thường nào.
Tiến sĩ Moses khuyên nam giới nên tự kiểm tra khi đang tắm vì nước ấm làm giãn bìu và giãn các cơ giữ “viên bi”, giúp dễ cảm thấy cục hoặc u nếu có.
Các bước kiểm tra tinh hoàn
Sau đây là từng bước để thực hiện bài kiểm tra:
• Bước 1
Đứng hai chân rộng bằng vai.
• Bước 2
Dùng tay trái cầm nhẹ phần trên của bìu, với ngón tay cái ở trên và ngón trỏ và ngón giữa ở bên dưới. Nhíu nhẹ để tinh hoàn giữ nguyên và không di chuyển trong khi khám, theo Kidshealth.
• Bước 3
Dùng tay phải, lướt ngón tay cái và ngón tay dọc theo hai bên “viên bi”, từ trên xuống dưới. Cảm nhận xem “viên bi” có lớn khác thường hoặc có khối dày cứng, có cục, u hay không.
Các cục u có thể nhỏ bằng hạt cơm hoặc hạt đậu.
Sau đó, lướt các ngón tay qua mặt trước và mặt sau của “viên bi”.
Nếu có sự tăng trưởng của khối u có thể đau, nhưng không phải lúc nào cũng đau hoặc khó chịu.
Hãy đi khám ngay, nếu...
Hãy đi khám ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ u, cục, hoặc thay đổi kích thước hoặc thay đổi màu sắc nào. Nhớ nói với bác sĩ của bạn nếu thấy đau ở “viên bi” hoặc đau xung quanh.
Các khối u hoặc cục có thể không phải là ung thư, nhưng cần được bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt.
Ung thư tinh hoàn hầu như luôn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Đối với ung thư tinh hoàn, thanh thiếu niên nên quan tâm nhiều hơn đến tinh hoàn của mình. Tiến sĩ Michael R. Harrison, phó giáo sư y khoa tại Đại học Y khoa Duke (Mỹ), khuyên: "Vì nó nằm sâu hơn vào bên trong, thì chỉ có chính mình mới có thể cảm nhận được".
Xoắn tinh hoàn là gì?
Xoắn tinh hoàn là một tình trạng đôi khi bị nhầm với ung thư tinh hoàn. Hiện tượng này thường đi kèm với đau và sưng và cần phải đi cấp cứu.
Xoắn tinh hoàn phổ biến nhất ở nam thanh niên từ 12 đến 18 tuổi.
Trong khi đó, ung thư hoặc u ác tính trên tinh hoàn thường tương đối không đau khi được phát hiện.
Nếu thấy điều gì bất thường ở “viên bi”, cần đi khám ngay để siêu âm kiểm tra sự phát triển của khối u. Chụp CT có thể xác định xem ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể chưa.
Ai có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn?
Ngoài tuổi tác, yếu tố nguy cơ chính của bệnh là tiền sử gia đình và tiền sử ung thư tinh hoàn và hiện tượng tinh hoàn ẩn.
Những người mắc tình trạng tinh hoàn ẩn khi còn bé, có thể có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao gấp 5 đến 10 lần, theo Insider.
Đối với nam giới từ 13 đến 35 tuổi, hãy nên khám tinh hoàn trong quá trình kiểm tra hằng năm. Nếu không, đừng ngại hỏi bác sĩ.
Theo thanhnien