Tiêu chảy là tình trạng xảy ra phổ biến ở người nhiễm HIV, đặc biệt là những người có số lượng tế bào CD4 thấp. Đây cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc trị HIV cũng như một số loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc kháng sinh.

Nếu bạn có hệ miễn dịch yếu, có nhiều khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng này hơn và có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Bản thân HIV cũng có thể gây tiêu chảy do ảnh hưởng của virus tới đường ruột.

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc phân nước, hoặc/và đi ngoài ba lần trở lên mỗi ngày. Tiêu chảy thường đi kèm với đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, sốt và chán ăn. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn một vài ngày, có máu, hoặc nếu bị sốt cao hoặc đau dạ dày… cần đi khám để tìm nguyên nhân gây tiêu chảy.

1. Tiêu chảy là tác dụng phụ liên quan đến thuốc trị HIV

Tiêu chảy có thể là tác dụng phụ của hầu hết các loại thuốc trị HIV. Trong hầu hết các trường hợp, tiêu chảy sẽ hết sau vài ngày hoặc vài tuần hoặc vài tháng đầu điều trị. Tuy nhiên, đối với một số người, tiêu chảy vẫn tiếp tục cho đến khi thay đổi phương pháp điều trị HIV.

Cách bù điện giải đúng cho trẻ khi bị tiêu chảy cấp

Bổ sung đủ nước và chất điện giải khi bị tiêu chảy là rất quan trọng để tránh mất nước cho cơ thể.

Thay đổi chế độ ăn uống có ít tác dụng đối với tình trạng tiêu chảy do thuốc. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau để kiểm soát tình trạng tiêu chảy do thuốc gây ra.

Một số thuốc có thể sử dụng như imodium (loperamide), racecadotril (hidrasec)… có thể mua không cần đơn. Lưu ý, không dùng những loại thuốc này nếu phân có máu, nhầy hoặc nếu bạn bị sốt cao. Trong trường hợp này cần đi khám để được dùng thuốc thích hợp.

Điều quan trọng là bạn phải tiếp tục ăn và uống ngay cả khi bạn bị tiêu chảy do thuốc chống HIV gây ra. Không được ngừng dùng thuốc vì tác dụng phụ này nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.

2. Tiêu chảy do tình trạng sức khỏe khác

Các vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, ngộ độc thực phẩm, dị ứng, không dung nạp thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, virus… đều có thể gây tiêu chảy ở người nhiễm HIV.

Những nguyên nhân khác gây tiêu chảy ngắn hạn có thể bao gồm các yếu tố về lối sống, chẳng hạn như uống nhiều rượu và cảm thấy lo lắng. Nếu tình trạng tiêu chảy không thuyên giảm sau vài ngày, cần đi khám để tìm ra nguyên nhân, điều trị đúng cách.

3. Cách xử lý tiêu chảy

- Bù nước điện giải: Tiêu chảy có thể khiến cơ thể mất muối và nước. Do đó, điều quan trọng là phải bổ sung đầy đủ chất lỏng để tránh bị mất nước. Tốt nhất là uống chất lỏng có hỗn hợp nước, muối và đường.

Tốt nhất là mua và uống dung dịch bù nước và điện giải oserol (tại các hiệu thuốc), pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và sử dụng.

Để kiểm tra xem biết mình đã uống đủ nước hay chưa bằng cách nhìn vào màu nước tiểu. Nước tiểu phải có màu vàng nhạt. Đi tiểu rất ít hoặc nước tiểu rất sẫm màu có thể là triệu chứng mất nước. Ngoài ra, mất nước có thể khiến bạn có thể bị đau đầu, cảm thấy chóng mặt.

- Ăn thức ăn rắn ngay khi bạn cảm thấy đủ khỏe: Tốt nhất là ăn những bữa ăn nhỏ, nhẹ. Các loại thực phẩm như chuối, khoai tây, thịt gà và cá sẽ giúp bổ sung kali, một khoáng chất quan trọng cho các chức năng của cơ thể có thể bị mất khi tiêu chảy. Nồng độ kali thường giảm nếu bị tiêu chảy nặng. 

- Cố gắng tránh cà phê, thức ăn cay vì chúng có thể làm tiêu chảy nặng hơn hoặc có thể gây buồn nôn (cảm thấy khó chịu), thường kết hợp với tiêu chảy. Tránh các loại thực phẩm có nhiều chất béo hoặc sữa có thể giúp giảm các triệu chứng tiêu chảy.

- Tăng hoặc giảm hàm lượng chất xơ và loại chất xơ trong chế độ ăn uống có thể giúp ích nếu bạn bị hội chứng ruột kích thích (IBS) gây tiêu chảy.

Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để giúp người nhiễm HIV biết cách thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, tránh giảm cân và cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ khi bị tiêu chảy. Nếu tiêu chảy không giảm trong một vài ngày, cần đi khám để được dùng thuốc thích hợp. Chỉ nên dùng thuốc trị tiêu chảy khi có tư vấn của bác sĩ.

Theo suckhoedoisong.vn