Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp và cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ… Kết quả điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (2021) ở nước ta cho thấy, khoảng 20,2 triệu người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) bị tăng huyết áp. Cứ 4 người trưởng thành sẽ có 1 người tăng huyết áp chiếm tỷ lệ 26,2%.
Đáng nói, trong số hơn 20 triệu người mắc bệnh thì có khoảng 60% người bệnh chưa được phát hiện và gần 70% người bệnh chưa được điều trị. Cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp và phát hiện tăng huyết áp là đo huyết áp thường xuyên. Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ điều trị. Bên cạnh đó cần duy trì những thói quen tốt để kiểm soát bệnh, tăng hiệu quả điều trị.
Biểu hiện cơn tăng huyết áp đột ngột và cách xử lý
Cơn tăng huyết áp đột ngột xảy ra khi huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) lớn hơn 180mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) lớn hơn 120mmHg. Thông thường huyết áp của một người khỏe mạnh sẽ rơi vào khoảng 120/180mmHg.
Khi gặp cơn tăng huyết áp đột ngột, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: đau đầu dữ dội, đau ngực dữ dội, người mệt mỏi… Một số trường hợp nặng có thể gây lú lẫn, co giật, cơn đau thắt ngực hoặc xuất hiện đột quỵ.
|
|
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người bệnh. |
Lúc này người bệnh cần đo huyết áp để xác định có phải cơn tăng huyết áp hay không. Trong trường hợp gặp cơn tăng huyết áp đột ngột, người bệnh cần bình tĩnh xử trí uống thuốc đã được bác sĩ kê đơn và nghỉ ngơi. Thông thường thuốc tăng huyết áp sẽ được uống khoảng 1 giờ sau ăn tuy nhiên nếu gặp cơn tăng huyết áp người bệnh có thể uống luôn. Sau khi nghỉ ngơi người bệnh cần đo lại huyết áp, nếu tình trạng huyết áp vẫn cao thì cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
Các thói quen tốt giúp kiểm soát huyết áp
Ngoài việc tuân thủ điều trị, duy trì các thói quen tốt cũng là cách để người bệnh chủ động kiểm soát huyết áp tốt hơn. Dưới đây là những thói quen tốt cho người bệnh tăng huyết áp vào buổi sáng:
- Đo huyết áp: Thời điểm đo huyết áp được khuyến cáo là khi ngủ dậy và sau khi uống thuốc 1 giờ. Người bệnh tăng huyết áp cần duy trì kiểm tra huyết áp thường xuyên để kiểm soát huyết áp có đạt mục tiêu không. Nếu người bệnh cảm thấy chóng mặt hoặc đau đầu, bất thường về sức khỏe… lúc này cũng nên kiểm tra huyết áp.
- Không bỏ bữa sáng và lưu ý khi tiêu thụ caffein: Người bệnh tăng huyết áp cần ăn sáng đầy đủ với các loại thực phẩm lành mạnh như rau củ quả, trái cây và các loại hạt. Lưu ý không nên ăn quá nhiều đường, nhiều muối và đồ ăn nhiều dầu mỡ vào buổi sáng.
Ngoài ra, khi tiêu thụ caffein quá mức như trà, cà phê cũng có thể khiến bạn gặp tình trạng tăng huyết áp. Nếu muốn sử dụng caffein, người bệnh nên dùng với lượng vừa phải và không nên uống ngay vào lúc sáng sớm.
|
|
Duy trì thói quen đo huyết áp vào mỗi sáng là cách kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu. |
- Không thay đổi nhiệt độ đột ngột: Vào mùa hè khi bước từ phòng điều hòa ra ngoài hay vào mùa đông khi bước từ phòng ấm ra ngoài trời lạnh là lúc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn đến mạch máu bị giãn ra làm tụt huyết áp hoặc xảy ra tình trạng co mạch làm huyết áp tăng. Do vậy người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý khi đi lại vào sáng sớm, hạn chế việc thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột.
- Tập thể dục đều đặn: Thói quen tập thể dục vào mỗi sáng không chỉ giúp kiểm soát tốt huyết áp mà còn giúp tăng cường thể trạng. Người bệnh nên lựa chọn các môn thể thao phù hợp với thể trạng, một số bộ môn được khuyến khích cho người tăng huyết áp là: đi bộ, chạy bộ, bơi, đạp xe, yoga… Nên duy trì tập luyện ít nhất 5 buổi/tuần và mỗi lần tối thiểu 30 phút.
Ngoài ra, người bệnh cần ngủ đủ giấc, hạn chế sử dụng các chất kích thích, có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng stress… Nếu có các bệnh lý nền kèm theo cần tuân thủ theo điều trị của bác sĩ.
Theo suckhoedoisong.vn