1. Vì sao tập luyện gây buồn nôn?
BS. Nguyễn Trọng Thủy (Nguyên Bác sĩ Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia và U23 Việt Nam) cho hay, nguyên nhân gây buồn nôn khi tập luyện là do:
- Phản ứng của cơ thể với việc tập thể dục: Buồn nôn có thể gây ra do phản ứng của cơ thể với việc tập luyện. Tập thể dục tác động đến hoạt động của hệ đường tiêu hóa. Khi tập thể dục, máu sẽ chảy tới những vùng hoạt động nhiều như các cơ bắp, não, tim, phổi... đồng thời giảm lưu lượng máu đến các cơ quan ít hoạt động hơn (dạ dày, ruột). Từ đó làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gián đoạn quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày. Do đó, gây ra cảm giác khó chịu, buồn nôn cho người tập.
- Mất nước: Trong khi tập luyện, cơ thể sẽ ra rất nhiều mồ hôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất nước, chất điện giải trong cơ thể, từ đó khiến người tập buồn nôn, choáng váng, kém linh hoạt.
Khi bị mất nước qua mồ hôi, lưu lượng máu đến đường tiêu hóa có thể yếu đi, khiến cho người tập có cảm giác buồn nôn.
- Tập thể dục trong môi trường nhiệt độ cao hoặc ở độ cao: Buồn nôn có thể xảy ra khi tập luyện trong môi trường quá nóng. Điều này khiến cơ thể mất rất nhiều nước qua mồ hôi.
Buồn nôn khi tập trong môi trường quá nóng bức có thể là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến nhiệt như say nắng và kiệt sức vì nóng, nghiêm trọng nhất là đột quỵ do nhiệt.
Buồn nôn cũng có thể xảy ra nếu tập thể dục ở độ cao (như tập luyện ở vùng núi). Nguyên nhân là do độ cao liên quan đến việc giảm lượng oxy và áp suất không khí.
- Tình trạng sức khỏe: Nhiều tình trạng sức khỏe có thể là nguyên nhân khiến người tập buồn nôn khi tập luyện như: Lo lắng hoặc căng thẳng, viêm ruột thừa, trầm cảm, chứng khó tiêu chức năng, bệnh túi mật, chứng đau nửa đầu, say tàu xe, đau tim, rối loạn hoảng sợ, loét dạ dày, đau dữ dội…
Nếu buồn nôn sau luyện tập do tình trạng sức khỏe thì nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
- Ăn uống trước khi tập luyện: Việc ăn và uống trước khi tập luyện rất quan trọng. Ăn gì và ăn vào thời điểm nào có thể là nguyên nhân dẫn đến cảm giác buồn nôn khi tập luyện.
+ Ăn quá ít hoặc nhịn ăn trong thời gian dài trước khi tập luyện: Nghiên cứu cho thấy, càng nhịn ăn trước khi tập thể dục thì cảm giác buồn nôn càng trầm trọng hơn.
+ Ăn quá nhiều: Tập thể dục khi bụng no làm tăng cảm giác khó chịu ở đường tiêu hóa, gây ra buồn nôn. Ăn nhiều chất đạm và chất béo trước khi tập thể dục sẽ dẫn đến cảm giác buồn nôn dữ dội. Uống quá nhiều chất lỏng cũng gây khó chịu ở đường tiêu hóa.
+ Thực phẩm giàu chất béo bão hòa như thịt xông khói, khoai tây chiên và bánh mì kẹp thịt… tiêu hóa chậm nên sẽ tạo ra cảm giác khó chịu cho dạ dày, từ đó khiến người tập buồn nôn.
+ Ăn quá gần hoặc quá xa thời gian tập luyện: Ăn quá gần thời gian luyện tập sẽ không giúp hệ tiêu hóa có đủ thời gian để tiêu hóa, nhưng ăn quá sớm lại khiến người tập cảm thấy đói và uể oải. Do đó, để tránh buồn nôn đồng thời tăng hiệu suất tập luyện, nên ăn nhẹ từ 1 đến 3 giờ trước khi tập.
- Tập luyện quá sức: Việc tập luyện quá sức, nhất là tập thể dục cường độ cao, sẽ khiến cơ thể mất năng lượng nhanh chóng dễ gây tụt huyết áp, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn.
- Thuốc điều trị bệnh: Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ gây buồn nôn, như: Thuốc giảm đau (opioid), kháng sinh, chống trầm cảm, hạ huyết áp, chống viêm không steroid (NSAID), thuốc tránh thai đường uống.
2. Xử trí buồn nôn do tập thể dục thế nào?
2.1. Buồn nôn sau khi tập luyện
Nếu cảm thấy buồn nôn sau khi kết thúc tập luyện, theo BS. Nguyễn Trọng Thủy, tốt nhất người tập nên ngồi yên ở một nơi yên tĩnh. Việc vận động đi lại có thể làm tình trạng buồn nôn trầm trọng thêm.
Thức ăn nhạt và uống nhiều nước sẽ giúp loại bỏ cảm giác buồn nôn. Do đó, nên mang theo bánh quy để dự phòng buồn nôn khi tập. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc chống buồn nôn để giảm cảm giác buồn nôn sau tập luyện.
2.2. Buồn nôn giữa buổi tập
Nếu buồn nôn giữa buổi tập, nên giảm cường độ vận động để làm dịu cơn buồn nôn. Có thể đi lại chậm hoặc vừa phải. Không nên ngừng tập quá nhanh, cơn buồn nôn có thể nghiêm trọng hơn do có sự thay đổi lớn về nơi lưu thông máu đột ngột.
3. Có thể phòng ngừa buồn nôn khi tập luyện
Để phòng ngừa buồn nôn khi tập luyện, BS. Nguyễn Trọng Thủy khuyến cáo:
- Tránh dùng caffeine liều cao.
- Để cơ thể thích nghi dần với môi trường tập luyện có nhiệt độ cao.
- Hạn chế ăn nhiều hoặc hạn chế ăn một số loại thực phẩm gần thời gian tập luyện.
- Giảm cường độ tập luyện khi cần thiết.
- Hạn chế sử dụng chất bổ sung hoặc dùng chất bổ sung cách xa thời gian tập luyện.
- Uống đủ nước trong khi tập luyện.
- Sử dụng các kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng hoặc lo lắng.
Theo suckhoedoisong.vn