Nghiên cứu thực hiện bởi tạp chí Y học BMJ cho thấy rằng, có một lượng caffeine cao trong máu có thể làm giảm chất béo trong cơ thể, đồng thời chống lại nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Rất có thể trong tương lai, thức uống chứa caffeine, không calo, sẽ được sử dụng để chữa trị bệnh béo phì và bệnh đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu rộng hơn để đưa điều này vào thực tiễn.
Tiến sĩ Karatina Koss, Giảng viên phụ trách bệnh đái tháo đường và béo phì tại Đại học Exter cho biết, nghiên cứu này đã đưa ra những lợi ích tiềm năng đối với sức khỏe của những người có lượng caffeine cao trong máu. Tuy nhiên, mục đích của nghiên cứu này không phải để khuyến khích mọi người uống nhiều cà phê hơn.
"Bất kỳ đồ uống bổ sung caffeine có chứa đường hoặc chất béo sẽ phản tác dụng", TS. Koss chia sẻ thêm.
Mặc dù caffeine làm tăng quá trình đốt cháy chất béo, nhưng nó không phải là phương pháp điều trị bệnh béo phì.
Các nhà nghiên cứu cho biết, họ thu được kết quả dựa vào những nghiên cứu đã được công bố trước đó. Kết quả chỉ ra rằng uống 3 đến 5 tách cà phê mỗi ngày, tức trung bình 70-150 mg caffeine, giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và các bệnh về tim mạch.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để xác định được những tác động này là nhờ vào caffeine hay những hợp chất khác, dựa vào phương thức mà các nhà nghiên cứu đã thực hiện.
Nghiên cứu này đã sử dụng một kỹ thuật được gọi là "Mendel Ngẫu nhiên" - phương pháp thiết lập nguyên nhân và kết quả được đo lường trong các gene. Nhóm nghiên cứu đã tìm ra 2 biến thể gene liên quan đến tốc độ chuyển hóa caffeine, và sử dụng để dự đoán mối liên hệ giữa lượng caffeine trong máu và chỉ số BMI cũng như lượng mỡ trong cơ thể.
Những người mang các biến thể gen với tốc độ chuyển hóa caffeine chậm thường uống ít cà phê hơn nhưng họ lại có lượng caffeine trong máu cao hơn so với những người chuyển hóa caffeine nhanh.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể giảm đến 50% nhờ vào việc giảm cân. Trong khi caffeine được biết với công dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy chất béo và hạn chế cảm giác thèm ăn. 100mg caffeine tiêu thụ hằng ngày tương đương với mức tiêu hao năng lượng tới khoảng 100 calo 1 ngày.
Nghiên cứu này dựa trên 10.000 người, chủ yếu là người có nguồn gốc từ châu Âu, và họ đều từng tham gia 6 nghiên cứu dài hạn.
Tiến sĩ Stephen Lawrence, Phó Giáo sư tại Trường Y của Đại học Warwick cho biết, nghiên cứu này rất "thú vị" và "khoa học". Nhưng ông cũng chỉ ra rằng phương pháp Mendel là một kỹ thuật tuy hữu ích nhưng tương đối mới và có xu hướng thiên vị.
"Nghiên cứu này có thể là tiền đề cho sự phát triển của một phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 và bệnh béo phì trong tương lai. Nghiên cứu đại diện cho khoa học hình thành giả thuyết hoặc hình thành ý tưởng tuy nhiên, nó không chứng minh được nguyên nhân hay kết quả. Do đó, chúng ta không nên vội vàng diễn giải nghiên cứu này quá mức", TS. Lawrence chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một niềm tin rằng việc giảm cân nhờ vào lượng tiêu thụ caffeine sẽ giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2. Nhưng TS. Lawrence cho biết tác dụng của caffeine cũng chỉ tương đương với việc giảm lượng calo nạp vào cơ thể, hoặc việc tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, tiêu thụ nhiều caffeine sẽ khiến tim đập nhanh và nhịp tim bất thường. Vì vậy, caffeine không dành cho tất cả mọi người.
"Chúng ta có nên uống nhiều cà phê hơn để giảm béo hay giảm nguy cơ đái tháo đường? Khoa học đã đưa ra bằng chứng rằng tiêu thụ caffeine có thể đốt cháy chất béo ngay cả khi nghỉ ngơi. Song không có nghĩa rằng caffeine nên được thay thế như một phương pháp điều trị bệnh béo phì. Tiêu thụ caffeine không đúng cách có thể làm tăng lượng mỡ trong cơ thể, thậm chí là có hại cho sức khỏe", TS. Lawrence khuyến cáo.
Theo suckhoedoisong.vn