Khi bác sĩ của Michael Fraser gọi điện và trò chuyện với ông ở Toronto, cả hai đều biết rằng sắp tới ông không phải theo một liệu trình chữa trị nào nữa, họ đã xác nhận ngày ông sẽ từ giã cõi đời. 

Rồi ngày đó cũng đến. Những người bạn thân nhất của ông Fraser đến nhà, tụ tập trong một bữa tiệc nhỏ. Tại đó, ông thưởng thức cốc bia cuối cùng và kêu gọi những người khác đừng lãng phí thức ăn trong tủ lạnh mà hãy mang về nhà. Sau đó, ông và người vợ Ann dừng lại trong phòng ngủ của hai vợ chồng, nơi tiến sĩ Navindra Persaud đang đợi. 

Ông Michael Fraser (55 tuổi) đã chọn cách trợ tử, số lượng người có quyết định như ông đang ngày càng tăng ở Canada
Ông Michael Fraser (55 tuổi) đã chọn cách trợ tử, số lượng người có quyết định như ông đang ngày càng tăng ở Canada

Ông Fraser (55 tuổi) nằm trên giường với vợ khi bác sĩ tiêm thuốc vào cánh tay của ông. Đầu tiên, một loại thuốc an thần gây ngủ, tiếp theo là thuốc gây tê cục bộ rồi một loại thuốc khác giúp ông ra đi êm ái. Khi bà Ann bước ra khỏi phòng trong nước mắt, bác sĩ gọi điện cho nhân viên điều tra, báo cáo rằng ông đã cung cấp “chăm sóc giảm nhẹ” cho bệnh nhân hiện đã chết. 

 Ông Fraser đã gia nhập số lượng người Canada chọn “cái chết êm ái” hiện ngày càng tăng ở Canada. Tính chỉ riêng năm 2021, đã có hơn 10.000 người tận dụng chương trình trợ tử, tăng 32,4% so với năm trước. Thực tế, luật an tử của Canada rất dễ dàng, kể cả những người không mắc bệnh nan y nhưng trải qua một cuộc sống khó khăn, không thể đi lại hay trầm cảm cũng có thể chọn “cái chết nhẹ nhàng”. Từ khi chương trình MAiD (chương trình trợ tử) được phê duyệt vào năm 2016, nhiều trường hợp “chán sống” đã chọn cách ra đi này sau khi họ tính toán và kết luận rằng “thà chết còn hơn”.

Mới đây, các chuyên gia tại trường Quebec College of Physicians còn kêu gọi hợp pháp hóa trợ tử cho người bệnh tâm thần và thậm chí có khả năng là trẻ em bị bệnh nặng hoặc khuyết tật khiến cho các nhà vận động nhân quyền và Liên hiệp quốc chỉ trích. Họ còn đặt nghi vấn rằng, đây có phải là cách Canada giảm chi tiêu chăm sóc sức khỏe quốc gia hay không? Điều này đặt ra những câu hỏi về việc liệu MAiD cuối cùng có liên quan nhiều đến tiền hay không. Nhất là khi việc xin mở rộng MAiD vào mùa xuân tới cho những người mắc bệnh tâm thần và cho trẻ vị thành niên trên 12 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo đang chờ quốc hội xem xét.

Tiến sĩ Ellen Wiebe - bác sĩ gia đình và giáo sư lâm sàng tại Đại học British Columbia, người đã thực hiện hơn 400 ca trợ tử - đã bác bỏ các ý kiến cho rằng chính sách của Canada đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Bà thừa nhận rằng nghèo đói chắc chắn có liên quan đến trường hợp của một số bệnh nhân MAiD, nhưng tin rằng nhiều người sẽ muốn chết cho dù họ có tiền hay không. Thậm chí, bà Ellen thấy không có vấn đề gì với việc giúp người bệnh tâm thần chọn cái chết êm ái từ năm tới. “Tôi đã gặp một số trong nhóm người này và tôi rất vui vì nỗi đau khổ của họ được công nhận ngang bằng với những người mắc bệnh về thể chất” - bà nói.

Mặc dù vậy, các chuyên gia khác vô cùng lo lắng. Giáo sư Tim Stainton - Đại học British Columbia - mô tả luật của Canada “có lẽ là mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với người khuyết tật”. Riêng Madeline Li - bác sĩ tâm thần về bệnh ung thư ở Toronto và là cố vấn hỗ trợ cho người hấp hối - cho biết bà đồng ý với việc làm cho người sắp chết được an tử, nhưng không phải theo cách hỗ trợ cho bất kỳ ai muốn tự tử. “Bởi không ai biết liệu bệnh tâm thần có phải là bệnh không thể chữa khỏi hay không và liệu bạn có đang hỗ trợ ai đó hoàn thành việc tự tử của họ hay không? Chúng ta đừng để cái chết êm ái trở thành một giấy phép giết người” - bà nói. 

Theo phụ nữ TPHCM