Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Tờ The Financial Times ngày 1/8 đưa tin hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna của Mỹ đã nâng giá bán vaccine ngừa COVID-19 trong các hợp đồng cung cấp gần đây nhất cho Liên minh châu Âu (EU).

Một liều vaccine của Pfizer giờ có giá 19,50 euro (tương đương 23,15 USD), cao hơn so với mức giá 15,50 euro trước đó.

Trong khi đó, một quan chức thạo tin cho hay vaccine của Moderna cũng tăng lên mức 25,5 USD/liều từ mức 22,60 USD/liều trong hợp đồng mua sắm đầu tiên, song vẫn thấp hơn mức 28,5 USD đã thỏa thuận trước đó vì số đơn đặt hàng đã tăng lên.

Hiện Pfizer và Moderna chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Giá vaccine ngừa COVID-19 "nhảy múa"

Tuyên bố mới nhất của Liên minh Vaccine do tổ chức phi chính phủ Oxfam phát hành hôm 29/7 cho biết vaccine của Pfizer và Moderna đang được chào bán cho các chính phủ với mức giá cao hơn đến 41 tỷ USD so với chi phí sản xuất ước tính.

Theo liên minh này, việc nguồn vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới hiện vẫn rất khan hiếm là do hậu quả của tình trạng độc quyền. Số liệu từ báo cáo của Liên minh Vaccine cho thấy giá vaccine ngừa COVID-19 luôn “nhảy múa.”

Hãng Pfizer đang bán vaccine cho Liên minh châu Phi với giá 6,75 USD/liều và hãng này cho rằng đó là giá thấp nhất có thể.

Tuy nhiên, giá một liều vaccine như vậy hiện ngang với số tiền chi tiêu y tế của Uganda cho mỗi người dân trong vòng một năm. Mức giá này cao gấp 6 lần chi phí sản xuất dự tính cho loại vaccine của Pfizer.

Trong khi đó, mức giá cao nhất nhất được trả cho một liều vaccine Pfizer có lẽ là 28 USD/liều, mức giá do Israel chi trả. Như vậy, Israel đã trả cao hơn gấp gần 24 lần chi phí sản xuất dự tính.

Còn EU có thể đã chi trả quá mức cho 1,96 tỷ liều vaccine của Moderna và Pfizer, với số tiền lên tới 31 tỷ euro.

Đối với Moderna, theo tính toán của Liên minh Vaccine, hãng này đã đưa ra mức giá cao gấp từ 4-13 lần mức chi phí sản xuất cho các quốc gia. Colombia, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, đã phải trả gấp đôi mức giá mà Mỹ trả cho vaccine Moderna.

Nếu tính cả Moderna và Pfizer thì Colombia đang trả giá cao hơn giá thực tới 375 triệu USD.

Nhận định về vấn đề giá cả, bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam, cho rằng: “Đây có lẽ là một trong những vụ trục lợi lớn nhất lịch sử.”

Cái giá của sự độc quyền

Cho đến nay Pfizer và Moderna đã bán hơn 90% số vaccine của họ cho các quốc gia với giá cao gấp 24 lần chi phí sản xuất ước tính.

Tuy nhiên, mới đây Pfizer thông báo họ sẽ cấp phép cho một công ty Nam Phi cung cấp và đóng gói 100 triệu liều để sử dụng ở châu Phi. Dù vậy, đây là một con số rất nhỏ so với nhu cầu của châu lục này.

Điều đáng nói là cả hai hãng dược phẩm đều không đồng ý chuyển giao đầy đủ công nghệ vaccine với bất kỳ nhà sản xuất có năng lực nào ở các nước đang phát triển.

Theo phân tích của Liên minh Vaccine, đây là một động thái nhằm ngăn cản nguồn cung vaccine giá rẻ trên toàn cầu mà hậu quả là có thể đẩy hàng triệu người vào đói nghèo và cái chết.

Phân tích các kỹ thuật phát triển sản xuất vaccine mRNA của Pfizer và Moderna cho thấy vaccine này được phát triển nhờ nguồn ngân sách công khoảng 8,3 tỷ USD. Bởi vậy, những loại vaccine này có thể được sản xuất với chi phí khoảng 1,2 USD/liều.

Tuy nhiên, COVAX, cơ chế được lập ra để giúp các quốc gia tiếp cận với vaccine COVID-19, cũng đã phải chi trả mức giá trung bình cao gấp gần 5 lần và cũng phải chật vật mới có đủ liều lượng và đáp ứng nhu cầu của các nước tham gia liên minh, bởi các nước giàu đã tìm cách để được đứng đầu danh sách chờ mua bằng các mức giá cao hơn rất nhiều.

Nếu không có sự độc quyền dược phẩm về vaccine làm hạn chế nguồn cung và đẩy giá vaccine tăng lên, với số tiền mà COVAX chi cho đến nay có thể đủ để tiêm chủng đầy đủ cho tất cả các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tuy nhiên, do không mua được bằng giá thành sản xuất nên COVAX sẽ chỉ tiêm được cho nhiều nhất là 23% dân số vào cuối năm 2021.

Theo Vietnamplus