leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Trên thực tế, có không ít người gặp rắc rối với việc thèm ăn trước khi đi ngủ hoặc đói cồn cào lúc nửa đêm. Điều quan trọng là trong số đó có những người không hề nhịn bữa tối, thậm chí còn ăn no hoặc ăn tối muộn nhưng vẫn thấy thèm ăn vào thời điểm này. Nếu ăn thì vừa béo vừa không tốt cho sức khỏe, nhưng không ăn thì lại không tài nào ngủ nổi.

Theo bác sĩ Tiêu hóa và Gan mật Qiu Zhanxian (Trung Quốc), tình trạng kể trên thường xảy ra khi có thể bạn mắc bệnh tật. Ông dẫn lại lời của nhà thần kinh học và hành vi nổi tiếng Erin Hanlon (Đại học Chicago, Mỹ), cho biết: “Giấc ngủ vào ban đêm thường khá sâu, vì vậy nếu não hoặc cơ thể đột nhiên bị đánh thức vì đói, điều đó thực sự cho thấy có điều gì đó xảy ra với cơ thể bạn.”

Hay nhà khoa học về giấc ngủ và sinh học Kristen L. Knutson - Phó giáo sư tại Đại học Northwestern (Mỹ) cũng khẳng định tình trạng này là “bất thường” bởi đồng hồ sinh học bên trong cơ thể luôn nhắc nhở chúng ta nửa đêm không phải thời điểm để ăn.

Bác sĩ Qiu Zhanxian giải thích, thông thường thì trẻ em đang phát triển mới dễ bị đói vào ban đêm dù đã ăn 3 bữa mỗi ngày đầy đủ. Còn với người trưởng thành, đói cồn cào trước khi đi ngủ hoặc thức dậy lúc nửa đêm vì đói thường liên quan đến các bệnh về dạ dày. Phổ biến nhất là viêm dạ dày hoặc loét tá tràng.

Dạ dày vẫn hoạt động và sản xuất ra dịch vị tiêu hóa ngay cả khi ngủ. Các bệnh này khiến dịch vị tiết ra quá nhiều axit, thức ăn được tiêu hóa nhanh, dạ dày hoạt động không tốt nên dễ đói. Bề mặt niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn tới cảm giác về no hoặc đói có sự sai lệch, cảm giác đau nhẹ dễ khiến chúng ta hiểu lầm rằng dạ dày co bóp mạnh vì không có thức ăn, đói bụng. Thậm chí, một số người còn “no bụng đói con mắt”, tức là bụng cảm thấy no nhưng lại có cảm giác rất thèm ăn.

Lúc này, các dây thần kinh sẽ tác động lên não bộ, kích thích cảm giác thèm ăn để chúng ta nạp thêm thực phẩm. Như vậy sẽ giúp dạ dày trung hòa lại axit và trở nên dễ chịu hơn.

Vì vậy, bác sĩ Qiu Zhanxian nhắc nhở chúng ta không nên xem nhẹ tình trạng đói bụng kéo dài mỗi nửa đêm. Nhất là nếu bạn thường ăn uống đẩy hoặc từng có triệu chứng đau bụng, ợ hơi hoặc buồn nôn khi đói. Viêm loét dạ dày, tá tràng lâu ngày có thể dẫn tới xuất huyết dạ dày, thủng đường tiêu hóa, tiến triển thành ung thư dạ dày nên hãy đi khám bác sĩ để kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt.

Cách giảm đói bụng lúc nửa đêm do bệnh dạ dày

Ngoài việc can thiệp y tế sớm, bác sĩ Qiu Zhanxian cho biết chúng ta cũng có thể điều chỉnh sinh hoạt để giảm cảm giác thèm ăn đêm do bệnh viêm loét dạ dày.

Đầu tiên, hãy nhớ ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, ăn đúng giờ, lặp lại giờ ăn cố định hàng ngày để dạ dày tạo thói quen hoạt động theo đồng hồ sinh học. Tuyệt đối không bỏ bữa, nhất là bữa tối nhưng chỉ nên ăn no vừa đủ và nên uống nhiều nước hơn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Nếu có thể, bạn nên chia nhiều bữa nhỏ trong ngày và tránh ăn quá nhiều trong một lần. Những bữa ăn liên tục với lượng thực phẩm hấp thụ ít sẽ giúp dạ dày dễ dàng hoạt động hơn so với 2 – 3 bữa lớn mỗi ngày. Khi ăn hãy cố gắng tập trung, không bị xao nhãng bởi những cuộc trò chuyện hay thiết bị điện tử, vô tuyến. Cũng cần ăn chậm, nhai kỹ hơn.

Nghỉ ngơi, thư giãn vài phút trước và sau mỗi bữa ăn là điều quan trọng với người mắc bệnh về dạ dày. Còn về thực đơn ăn uống, hãy tránh những thức uống chứa cồn như rượu, bia, caffeine, thực phẩm cay nóng, trái cây họ cam quýt, thực phẩm chiên rán, giảm muối… nhất là vào bữa tối. Thay vào đó hãy ăn nhiều rau củ hơn, chọn các loại trái cây mềm, vị thanh mát thay vì quá chua hay quá ngọt.

Nếu đói trước khi đi ngủ và ban đêm, bạn có thể “đánh lừa” dạ dày bằng một cốc nước ấm hoặc một chút sữa đậu nành ấm. Thức dậy vận động nhẹ nhàng hoặc đọc sách, xem một đoạn phim ngắn hài hước cũng là cách hiệu quả để phân tán sự tập trung khỏi cơn đói.

Đặc biệt, việc điều chỉnh lại giờ đi ngủ, cụ thể là ngủ sớm hơn cũng rất tốt cho người mắc bệnh dạ dày. Để tránh những cơn đói vì tiết quá nhiều axit dạ dày, bác sĩ Qiu Zhanxian khuyên chúng ta nên đi ngủ trước 22 giờ và tuyệt đối không ăn gì trong một giờ trước khi đi ngủ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Nếu như không thể thoát khỏi cơn đói, hãy chọn món ăn nhẹ từ rau củ hoặc một món súp ấm ít dầu mỡ. Khi ăn hãy nhai chậm và nhai nhiều lần hơn bình thường, khoảng trên 30 lần nhai cho trước khi nuốt để giảm lượng thực phẩm nạp vào và dạ dày dễ tiêu hóa hơn. Cũng không nên nằm xuống hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn kẻo bệnh dạ dày ngày càng nặng thêm nhé!

Ngọc Ái/Nguồn: ETtoday, Health People