Nhân dịp tham gia Hội nghị Toàn cầu về thực thi Luật Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế cho sữa mẹ do UNICEF và WHO đồng tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6/2023 vừa qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chia sẻ những thực trạng xung quanh vấn đề này ở nước ta.

Chia sẻ trên Quochoi.vn, nói về việc Việt Nam cần có cơ chế, chính sách để giúp trẻ em được chăm sóc bằng sữa mẹ tối đa ở những năm tháng đầu đời, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng "Nếu có một loại vaccine mới có thể giúp phòng tránh tử vong cho trẻ em với chi phí thấp, an toàn, có thể uống trực tiếp, không cần bảo quản lạnh, thì nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm được tất cả những điều này và còn nhiều hơn thế".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết thêm, việc giảm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ là cực kỳ cần thiết để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

Việt Nam đã có Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 100/2014/NĐ-CP cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (2023), 92% bà mẹ được khảo sát đã từng xem một quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ trên truyền hình, Facebook, Youtube, Google. 29% bà mẹ đã từng được nhân viên y tế tư vấn sử dụng sữa công thức.

Cần có các biện pháp mạnh hơn nữa để hạn chế quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ trên thị trường hiện nay thông qua các cơ chế lập pháp. Ảnh: Quochoi.vn.

Chiêu thức các công ty sử dụng đó là dán nhãn mác các sản phẩm cho trẻ dưới và trên 24 tháng tuổi như nhau, tiếp cận nhân viên y tế thông qua các khóa đào tạo, hội thảo khoa học và hiệp hội y khoa, lấy thông tin bà mẹ từ lúc mang thai thông qua việc cung cấp các sản phẩm dùng thử sữa cho phụ nữ mang thai. Và các doanh nghiệp đang sử dụng mạng xã hội để quảng cáo ngày càng nhiều hơn. Theo báo cáo của tổ chức Alive & Thrive, có hơn 3.372 vi phạm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ trên các nền tảng mạng xã hội trong năm 2022.

Vì vậy, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cơ quan lập pháp ở Việt Nam cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ trên thị trường hiện nay. Đầu tiên, cần xem xét và thực hiện quy định cấm quảng cáo trực tiếp và giới hạn quảng cáo gián tiếp cho các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Quy định này cần được thiết lập một cách rõ ràng và nghiêm ngặt, đảm bảo sự tuân thủ từ phía các công ty và nhà sản xuất. 

Thứ hai, cần tăng cường thông tin, giáo dục và tư vấn cho các bà mẹ về lợi ích và tầm quan quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua các chương trình giáo dục cộng đồng và các hoạt động tuyên truyền. Các cơ quan lập pháp có thể hợp tác với các tổ chức y tế và các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo việc cung cấp thông tin chính xác và tin cậy.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các bà mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua việc tạo ra các chính sách và chương trình hỗ trợ về nghỉ thai sản và cho con bú, cung cấp điều kiện thuận lợi để các bà mẹ có thể tiếp tục cho con bú trong thời gian dài. Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) cần xem xét tới việc bổ sung quy định chi trả cho các các dịch vụ hỗ trợ tư vấn nuôi con sữa mẹ và sữa mẹ thanh trùng cho trẻ nguy cơ.

Tóm lại, được chăm sóc bằng sữa mẹ là quyền của trẻ em, việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả mẹ và bé. Để bảo vệ sức khỏe và phát triển của trẻ, cần hạn chế quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ thông qua nỗ lực của cơ quan lập pháp ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự chặt chẽ và quyết liệt từ phía Chính phủ, công tác giáo dục và thông tin, cũng như sự hỗ trợ tài chính và chính sách cho các bà mẹ. Chỉ khi có sự tập trung và hợp tác từ tất cả các bên liên quan, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường thích hợp cho việc nuôi con bằng sữa mẹ và đảm bảo sức khỏe và phát triển tốt nhất cho trẻ em. 

Theo suckhoedoisong.vn