Nguyên nhân gây viêm họng cấp tính

Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm do các tác nhân virus hoặc vi khuẩn gây ra. Bệnh rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhất là khi thời tiết lạnh hoặc thay đổi thời tiết.

Viêm họng có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời cùng với các tình trạng:

- Viêm VA.

- Viêm amidan.

- Viêm mũi.

- Viêm xoang.

- Các bệnh đường hô hấp trên: cúm, cảm lạnh, sởi…

Viêm họng cấp tính xảy ra do virus hoặc vi khuẩn. Thường là nhiễm virus trước, sau đó bội nhiễm các tạp khuẩn khác mà thường là các vi khuẩn hội sinh có sẵn trong họng như liên cầu, phế cầu. Bệnh có thể lây từ người này qua người khác bằng nước bọt, nước mũi.

- Virus là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm họng cấp, chiếm khoảng 60-80% các trường hợp viêm họng cấp, bệnh diễn biến lành tính và thường khỏi sau 5-7 ngày nếu không có bội nhiễm thêm vi khuẩn. Viêm họng do virus không cần thiết phải sử dụng kháng sinh mà chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng. Việc sử dụng kháng sinh có tỉ lệ nhất định gây phản ứng dị ứng kháng sinh hoặc các tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa.

- Vi khuẩn: Viêm họng cấp cũng có thể do vi khuẩn, trong đó liên cầu beta tan huyết nhóm A chiếm 20% trong số các vi khuẩn này nhưng lại gây biến chứng nặng nề như thấp tim, thấp khớp cấp và viêm cầu thận cấp.

Viêm họng cấp do liên cầu beta tan huyết nhóm A, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 5-15 tuổi. Bệnh có biểu hiện rầm rộ hơn các vi khuẩn khác: sốt cao 39-40 độ. Giả mạc trắng đục, bẩn ở amidan và thành sau họng. Hạch góc hàm 2 bên sưng đau.

Cần làm gì khi bị viêm họng cấp lúc chuyển mùa? - Ảnh 2.

Ho là biểu hiện của viêm họng cấp.

Viêm họng do liên cầu này bên cạnh biến chứng toàn thân cũng dễ gây biến chứng tại chỗ và cho các bộ phận kế cận như: viêm tai giữa, viêm mô tế bào hoặc abscess quanh amiđan, viêm xoang, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, và viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis).

Biểu hiện viêm họng cấp

Viêm họng cấp tính thường xảy ra đột ngột, gây ra các triệu chứng:

- Đau rát họng, nhất là khi nuốt.

- Cảm giác đau nhói lên tai khi nói, nuốt, ho.

- Ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm.

- Sốt vừa hoặc sốt cao.

- Ớn lạnh.

- Nhức đầu.

- Đau nhức người.

- Mệt mỏi.

- Chán ăn.

- Có hạch góc hàm, ấn vào di động, hơi đau.

Viêm họng mạn tính thường hay tái phát khi bị cảm lạnh, cúm… với các triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau rát họng. Các triệu chứng khác là:

- Khô họng.

- Mắt đau, ngứa.

- Triệu chứng nặng hơn vào buổi sáng.

- Cảm giác vướng và đau khi nuốt.

- Ho khạc dai dẳng để làm long đờm.

- Giọng nói có thể bị khàn nhẹ.

- Nóng rát vùng ngực (trong trường hợp có bệnh trào ngược dạ dày thực quản).

Cần làm gì khi viêm họng cấp

Đa phần các trường hợp viêm họng do virus là bệnh nhẹ, các triệu chứng sẽ giảm dần sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng diễn biến lành tính mà còn có những trường hợp khá nguy hiểm. Các trường hợp viêm họng nặng thường là do bội nhiễm vi khuẩn, nhất là liên cầu tan huyết, khiến bệnh kéo dài và cần điều trị thích hợp. Nếu không điều trị, viêm họng có thể gây ra các biến chứng:

- Biến chứng tại chỗ: Viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan, vùng họng, thành sau họng. Hiếm gặp nhưng nguy hiểm là viêm tấy hoại tử vùng cổ.

- Biến chứng lân cận: Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm mũi viêm xoang cấp.

- Biến chứng xa: Viêm thận, viêm khớp, viêm tim, choáng nhiễm độc liên cầu, thậm chí là nhiễm trùng huyết.

Do đó, khi thấy có những biểu hiện của viêm họng cấp như đau họng, sốt, mệt mỏi, ho, sưng đau hạch cổ, hạch góc hàm,… cần đến ngay cơ sở y tế có uy tín để được bác sĩ thăm khám và đánh giá đầy đủ, từ đó đưa ra chẩn đoán và điều trị thích hợp, giúp điều trị bệnh một cách hiệu quả cũng như phòng tránh các biến chứng không đáng có.

Ngoài việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, có thể thực hiện một số việc sau nhằm giảm nhẹ các triệu chứng của viêm họng cấp:

- Nghỉ ngơi.

- Uống nhiều nước ấm.

- Tránh các tác nhân gây kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các loại thức ăn chua, cay, đồ tanh…

- Ăn thức ăn mềm.

Cần làm gì khi bị viêm họng cấp lúc chuyển mùa? - Ảnh 3.

Vệ sinh súc họng hàng ngày để phòng bệnh.

Phòng tránh viêm họng cấp

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là sau khi ho hoặc hắt hơi, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị đồ ăn, trước khi ăn cơm.

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Xúc miệng và họng sát khuẩn hàng ngày.

- Giữ ấm vùng cổ-họng.

- Không ăn/uống quá nhiều đồ lạnh như kem hoặc nước đá.

- Bỏ thuốc lá hoặc tránh xa nơi có khói thuốc lá.

- Đeo khẩu trang đầy đủ khi ra đường.

Theo suckhoedoisong.vn