Cắn móng tay mang đến hiểm họa khôn lường
Cập nhật lúc 16:20, Chủ nhật, 30/07/2023 (GMT+7)
Theo chuyên gia, việc cắn móng tay có thể làm hỏng răng của bạn, tạo điều kiện cho cơ thể tiếp xúc với các loại vi khuẩn nguy hiểm…
Cắn móng tay là một thói quen phổ biến ở trẻ em cũng như người lớn. Người ta có thể cắn móng tay một cách vô thức khi chìm đắm trong suy nghĩ, lo lắng hoặc buồn chán.
Tuy nhiên, thói quen dường như phổ biến hoặc vô hại này có thể gây ra những hậu quả có hại cho sức khỏe răng miệng và sức khỏe nói chung của bạn.
Nhiều người cho rằng, việc cắn móng tay giúp họ điều chỉnh cảm xúc. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, cắn móng tay có thể làm sứt mẻ hoặc nứt răng. Nếu bạn đang niềng răng, thì việc cắn móng tay cũng có thể làm tăng nguy cơ tiêu chân răng và mất răng.
Theo nghiên cứu, những người cắn móng tay có nhiều khả năng mắc chứng nghiến răng - hành động nghiến răng không chủ ý. Thói quen này có thể dẫn đến đau đầu, đau mặt, tụt nướu, ê buốt răng và thậm chí mất răng.
Ngoài tổn thương răng, cắn móng tay cũng có thể làm tăng khả năng tiếp xúc với vi khuẩn. Mặc dù trông chúng có vẻ sạch sẽ, nhưng móng tay là nơi chứa vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như E. coli và salmonella. Khi cắn móng tay, những vi khuẩn này có thể truyền từ ngón tay của bạn đến miệng và ruột. Điều này dẫn đến nhiễm trùng đường tiêu hóa nghiêm trọng.
Những người có thói quen cắn móng tay cũng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm quanh móng - một bệnh nhiễm trùng khó chịu ở các đầu ngón tay gây mẩn đỏ, sưng tấy và có mủ phải được phẫu thuật dẫn lưu ra khỏi giường móng.
Để ngừng cắn móng tay, bạn có thể thực hiện một số thủ thuật này: Cắt móng tay ngắn; Sơn móng tay có vị đắng lên móng tay của bạn; Thay thế thói quen cắn móng tay bằng một thói quen tốt khác để đánh lạc hướng việc cắn móng tay như nhào bột, chơi bóng... ; Cố gắng ngừng cắn móng tay dần dần bằng cách cố gắng ngừng cắn một bộ móng và sau đó tiến hành loại bỏ những bộ khác.
Theo VOV