Vì sao bị viêm khớp dạng thấp?
VKDT có thể bắt đầu từ tuổi 30 trở đi. Bệnh hay gặp ở nữ giới. Đến nay nguyên nhân gây nên bệnh VKDT chưa được khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết cho rằng VKDT là bệnh tự miễn.
Một số bằng chứng cho thấy rằng có vai trò quan trọng của các đáp ứng miễn dịch (miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào), của các cytokines, các lympho T, yếu tố cơ địa.
Ngoài ra yếu tố di truyền cũng có thể có vai trò trong nguyên nhân gây VKDT.
VKDT gây đau khớp gối.
Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp
- Viêm và sưng đau khớp là biểu hiện rõ nhất. Khoảng 15% bệnh xẩy ra đột ngột với các dấu hiệu viêm cấp và 85% bắt đầu từ từ, tăng dần. Đa số các trường hợp là viêm một khớp: các khớp bàn tay, cổ tay, bàn ngón, khớp gối… kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi chuyển qua giai đoạn toàn phát gây viêm đau nhiều khớp.
- Vị trí thường gặp sớm nhất ở khớp cổ tay, khớp bàn – ngón tay. Sau đó xuất hiện ở chi dưới là khớp gối, cổ chân, bàn – ngón chân, ngón chân và xuất hiện muộn là khớp khuỷu tay, khớp vai, khớp háng, đốt sống cổ, thái dương hàm, ức đòn.
- Tính chất sưng, đau có xu hướng lan ra 2 bên và đối xứng- đây là dấu hiệu đặc trưng nhất. Thường có ít nhất 3 khớp trong số các khớp này bị sưng và đau.
- Cơn đau khớp nhiều vào ban đêm hoặc sáng sớm lúc mới ngủ dậy hoặc khi thời tiết chuyển mùa. Bên cạnh đó triệu chứng cứng khớp thường xuất hiện vào sáng sớm.
Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, da xanh, ăn ngủ kém, gầy
Biến chứng nguy hiểm của VKDT
- Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, VKDT có thể gây biến dạng khớp bị viêm, hạn chế chức năng vận động, teo cơ và có thể bị tàn phế (chiếm khoảng từ 10 – 15%).
- Nếu VKDT ở các khớp ngón tay có thể gây biến chứng làm co quắp các ngón tay.
- Khi bệnh đã thành mạn tính, VKDT có thể kéo dài nhiều năm gây đau, nhức, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và lao động của người bệnh.
Chẩn đoán phân biệt tránh nhầm lẫn
- Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để thấy tốc độ máu lắng và tỷ lệ CRP (C- Reactive Protein) tăng cao, đặc biệt là có (dương tính) yếu tố dạng thấp RF (Rheumatoid Factor).
- Ngoài ra, chụp X quang thấy có hình ảnh biến đổi xương (mất vôi, hình dải hoặc xói mòn hoặc khuyết xương hoặc hẹp khe khớp hoặc dính khớp...)
Cần thận trọng phân biệt VKDT với các bệnh đau nhức xương hoặc mỏi cơ hoặc mỏi khớp, viêm cột sống dính khớp, bệnh gout, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vẩy nến, lupus ban đỏ hệ thống, thoái hóa khớp... Các bệnh này thường có viêm khớp không đối xứng, đặc biệt là phản ứng huyết thanh về yếu tố RF âm tính.
Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp
Khi nghi ngờ bị bệnh VKDT bệnh nhân cần đi khám bệnh, tốt nhất là khám bác sĩ chuyên khoa xương khớp và điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ.
- Nguyên tắc điều trị VKDT là dùng thuốc giảm đau, chống viêm: Aspirin, corticoid, không steroid và thuốc ức chế cox 2 (celebrex).
- Cần điều trị kết hợp giữa nội khoa, lý liệu pháp, phục hồi chức năng tùy theo thể trạng bệnh của người bệnh.
- Tuyệt đối người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị, đặc biệt không được tiêm bất cứ loại thuốc nào vào vùng đau của khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa xương khớp.
Tập luyện cơ thể hàng ngày để phòng bệnh.
Lời khuyên của bác sĩ
VKDT là bệnh mạn tính kéo dài nên người bệnh phải kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, ngoài ra cần:
- Ăn, uống đủ chất, điều độ. Bổ sung các chất tốt cho xương khớp như: canxi, omega-3 trong bữa ăn hàng ngày.
- Có chế độ sinh hoạt hợp lý và rèn luyện cơ thể đều dặn nhằm tránh biến dạng khớp, cứng khớp, teo cơ, tàn phế.
- Mỗi buổi sáng lúc mới ngủ dậy nên xoa bóp cơ, khớp để máu lưu thông tốt đến các cơ, xương, khớp, dây chằng.
- Hàng tháng nên đi khám bệnh theo định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện những bất thường nếu có.