leftcenterrightdel
 

Ung thư da trên mặt có thể xuất hiện dưới hình dạng một nốt ruồi, một nốt sần hay một vùng da bị đổi màu hoặc bong tróc đóng vảy. Có 3 loại ung thư da chính là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư tế bào hắc sắc tố.

Ung thư da có thể xảy ra ở đầu, mặt, cổ do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc do các nguyên nhân khác. Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng bất thường cảnh báo ung thư da trên mặt và cách phòng ngừa.

1. Dấu hiệu ung thư da trên mặt theo phân loại ung thư

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ thì ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) là loại ung thư phổ biến nhất trên mặt, đầu và cổ - đây là những khu vực thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Còn ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) phổ biến ở mặt, tai, môi, cổ và mu bàn tay. Ung thư da tế bào hắc sắc tố ít phổ biến hơn ở mắt và miệng so với mặt và cổ.

1.1. Ung thư biểu mô tế bào đáy trên mặt (BCC)

Ung thư biểu mô tế bào đáy bắt đầu ở các lớp trên của da và thường do nguyên nhân là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các dấu hiệu của ung thư biểu mô tế bào đáy bao gồm:

- Các vết sưng nhỏ, sáng bóng có màu đỏ, hồng, đen, nâu hoặc trong mờ tùy thuộc vào màu và tính chất da của mỗi người.

- Các mảng này nổi gồ lên, có thể kèm theo ngứa và vùng giữa lõm trũng xuống.

- Vùng gồ có thể có các mạch máu nhỏ nhìn thấy được bằng mắt thường tựa như hình nan hoa.

- Các vét loét hở, khó lành hoặc lành rồi tái phát, có thể chảy dịch hoặc đóng vảy.

- Quan sát giống như các vết sẹo phẳng, cấu trúc chắc.

leftcenterrightdel
Hình ảnh ung thư biểu mô tế bào đáy trên mũi (Ảnh: Medical News Today) 
leftcenterrightdel
 Hình ảnh ung thư biểu mô tế bào đáy trên mũi (Ảnh: Medical News Today)

1.2. Ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC)

Các triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào vảy bao gồm:

- Các mảng đỏ có vảy hoặc sần sùi, có thể chảy máu hoặc đóng vảy.

- Kích thước lớn dần, phần trung tâm trũng xuống.

- Vết loét khó lành hoặc tái phát liên tục, có thể chảy dịch hoặc đóng vảy.

- Phát triển quan sát giống như mụn cóc.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh ung thư biểu mô tế bào vảy trên mắt (Ảnh: Medical News Today)
leftcenterrightdel
 Hình ảnh ung thư biểu mô tế bào vảy trên mũi (Ảnh: Medical News Today)

1.3. Ung thư tế bào hắc sắc tố (Melanoma)

Ung thư tế bào hắc sắc tố có thể dễ dàng lây lan sang các vùng da khác nếu không được điều trị sớm. Dấu hiệu quan trọng của loại ung thư này là một đốm mới hình thành trên da có sự khác biệt về hình thức và màu sắc với các đốm da khác, chẳng hạn như:

- Không đối xứng giữa 2 bên của vết đốm, nốt ruồi.

- Bờ viền không đều hoặc mờ.

- Màu sắc nâu hoặc hồng, trắng, xanh tím tùy vào tình trạng da và vùng da.

- Đường kính khối lớn hơn 6mm.

- Quá trình phát triển có sự thay đổi về hình dạng, kích thước hoặc màu sắc.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh ung thư tế bào hắc sắc tố trên mặt (Ảnh: Medical News Today)
leftcenterrightdel
 Hình ảnh vết đốm ung thư tế bào hắc sắc tố trên mặt (Ảnh: Medical News Today)

Các dấu hiệu của ung thư hắc sắc tố là nốt ruồi bao gồm:

- Viền nốt ruồi bị sưng hoặc đỏ.

- Màu nốt ruồi hoặc vết đốm lan tràn ra bên ngoài đường viền.

- Có cảm giác ngứa, đau xung quanh nốt ruồi.

- Nốt ruồi có sự thay đổi về màu sắc, hình thức và kết cấu chẳng hạn như rỉ dịch, chảy máu hay phát triển to hơn.

1.4. Ung thư biểu mô tế bào Merkel (MCC)

Ung thư biểu mô tế bào Merkel là một loại ung thư da hiếm gặp, có thể phát triển ở đầu, cổ, cánh tay, thân và chân. MCC thường xuất hiện dưới dạng khối u đỏ thịt hoặc đỏ xanh còn được gọi là u biểu mô nội tiết thần kinh của da.

Triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào Merkel là:

- Khối u phát triển nhanh, không đau.

- Kết cấu khối u vững chãi.

- Khối u lồi hẳn lên hoặc có hình vòm.

- Màu sắc khối u là đỏ thịt hoặc đỏ xanh.

leftcenterrightdel
Hình ảnh ung thư biểu mô tế bào Merkel ở tai (Ảnh: Medical News Today) 

1.5. Các dạng tiền ung thư da trên mặt

Tiền ung thư có nghĩa là các tổn thương không phải là ung thư ở thời điểm đó nhưng có thể chuyển thành ung thư trong tương lai nếu không được can thiệp điều trị.

- Dày sừng quang hóa (Actinic Keratosis) là tình trạng da bị thô ráp, có vảy khi tiếp xúc với mặt trời, đặc biệt là trên mặt - vị trí gần mắt, mũi, tai hoặc môi, tay, cánh tay và cổ. Đây là một tình trạng tiền ung thư da phổ biến. Chứng dày sừng quang hóa thường bị nhầm lẫn với các nốt đồi mồi, mụn hay viêm da kích ứng với biểu hiện bao gồm:

+ Các đốm hoặc vùng da sần sùi, khô, đóng vảy hoặc nhám

+ Màu đỏ, trắng, nâu, xám, hồng.

+ Có thể gây ngứa, bỏng, cảm giác châm chích hoặc đau.

+ Có thể chảy máu.

+ Một số vùng/đốm có thể cứng và cấu trúc như sừng động vật.

leftcenterrightdel
Dày sừng quang hóa (Actinic Keratosis) là tình trạng da bị thô ráp, có vảy khi tiếp xúc với mặt trời (Ảnh: Internet) 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dày sừng quang hóa thường là do tiền sử tiếp xúc quá nhiều với tia UV của ánh nắng mặt trời hay các thiết bị nhuộm da trong nhà; người cao tuổi; người đang mắc các tình trạng ức chế miễn dịch như cấy ghép nội tạng, HIV hay dùng thuốc ức chế miễn dịch; người bị bạch tạng…

Viêm môi ánh sáng (Actinic Cheilitis) là một dạng tiền ung thư của môi tương tự như dày sừng quang hóa. Đôi khi tình trạng này cũng được xếp loại vào ung thư môi giai đoạn rất sớm với biểu hiện thường gặp:

+ Môi khô, viêm đỏ, đóng vảy liên tục và ngứa ở môi.

+ Cảm giác nứt nẻ dai dẳng ở môi hoặc căng mọng.

+ Bạn có thể cảm thấy môi bị mỏng (teo) đi.

+ Bờ môi (viền môi) mờ dần.

+ Môi có vảy, thô ráp hoặc nứt như giấy nhám, phổ biến hơn ở môi dưới.

leftcenterrightdel
Hình ảnh viêm môi ánh sáng (Ảnh: Internet) 

2. Ung thư da trên mặt được phòng ngừa như thế nào?

Do khuôn mặt là bộ phận dễ tiếp xúc với ánh nắng nhất trên cơ thể nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư da trên mặt nói riêng và toàn thân nói chung.

- Kem chống nắng và SPF: Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 với độ chống nắng phổ rộng (chống cả tia UVA và tia UVB) mỗi ngày, kể cả khi bạn không ra ngoài

- Tránh tiếp xúc với thời điểm ánh nắng mặt trời gay gắt khoảng từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều.

- Ưu tiên các hoạt động trong bóng râm.

- Mặc quần áo bảo hộ sáng màu, đội mũ rộng vành và đeo kính râm ngăn chặn tia UVA va UVB.

- Tránh việc nhuộm da trong nhà.

Tổ chức Ung thư Da Hoa Kỳ cũng khuyên mỗi người nên tự kiểm tra tình trạng da của mình mỗi tháng một lần bởi ung thư da có khả năng điều trị cao nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Do vậy việc quan sát các bất thường trên làn da là rất quan trọng. Để tự kiểm tra, bạn có thể sử dụng máy ảnh, gương soi toàn thân và gương cầm tay để không bỏ sót khu vực nào.

Thăm khám bác sĩ sớm nếu trên da phát triển bất thường các đốm mờ hay nốt ruồi có sự thay đổi về hình dáng và cấu trúc; xuất hiện các mảng ngứa, đóng vảy và chảy dịch/máu; các tổn thương lâu lành trong vòng 3 tuần và dễ tái phát dù đã điều trị.

Châu Anh/Nguồn: Medical News Today