Cận thị là gì?

Cận thị là một trong các tật khúc xạ khá phổ biến hiện nay, người cận thị thường chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần còn thấy mờ hoặc rất mờ khi nhìn các vật ở xa. Khi bị cận thị, hình ảnh sẽ được hội tụ trước võng mạc thay vì hội tụ ở võng mạc như mắt bình thường, do đó người cận thị thường phải nheo mắt khi nhìn các vật ở xa. Người có độ cận càng cao thì tầm nhìn sẽ càng hạn chế.

photo-1664778968610

Cận thị bao nhiêu độ là nặng?

Độ cận thị được kí hiệu là D (Diop). Diop là đơn vị đo độ cong của thấu kính sử dụng giúp mắt có thể nhìn thấy mọi vật gần như là bình thường. Diop biểu hiện tình trạng bệnh cận thị của mắt, diop càng lớn thì cận thị càng nặng. Nhiều người cận nặng khi tháo kính ra còn không thể tránh các vật cản trước mặt, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, học tập và làm việc.

Cận thị có thể được chia làm 3 nhóm theo mức độ từ nhẹ tới nặng

Cận nhẹ: Là cận thị có độ nặng dưới 3,00 diop

Cận trung bình: Là cận thị có mức độ từ 3,00 diop – 6,00 diop

Cận nặng: Là cận thị có độ cận trên 6,00D diop

Cận thị ban đầu có thể ban đầu chỉ ở mức độ nhẹ, nhìn hơi mờ nhưng nếu không được thăm khám thì độ cận có thể tăng lên nhanh chóng hoặc mắc các bệnh lý khác về mắt. Khi xác định được độ cận và độ cận ở mức độ nào sẽ giúp cho việc thăm khám và điều trị bệnh dễ dàng hơn.

Vì sao cần kiểm soát tiến triển cận thị? 

Khi mắt đã xuất hiện cận thị thì đồng nghĩa đã có nguy cơ phát triển các bệnh lý gây suy giảm thị lực về mắt, khi độ cận càng tăng thì nguy cơ mắc các bệnh lý đó càng tăng. Các bệnh lý thường gặp ở những người có độ cận cao như nhược thị, lác, bong võng mạc, glocom,…Để tránh hoặc giảm khả năng dẫn tới các biến chứng trên thì việc kiểm soát tiến triển cận thị cần được chú ý và thực hiện ngay khi phát hiện cận thị.

photo-1664778971173

Cách kiểm soát tiến triển cận thị

Để kiểm soát tiến triển cận thị, người cận thị nên đi kiểm tra ít nhất từ 3 đến 6 tháng một lần để biết được mức độ phát triển của độ cận. Nếu như ở lứa tuổi học đường, cận thị triến triển từ 1 độ trở lên được coi là tiến triển nhanh và nặng, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp làm chậm quá trình tiến triển cận thị. Để biết phương pháp kiểm soát độ cận nào phù hợp, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ tư vấn phù hợp.

Quy tắc 20-20-20 có thể thấy là một quy tắc hay được nhắc đến nhất không chỉ trong quá trình giúp kiểm soát tiến triển cận thị mà còn là quy tắc giúp đôi mắt của chúng ta được nạp năng lượng ngắn hạn. Mỗi 20 phút tiếp xúc với màn hình điện thoại, chúng ta nên dừng lại và nhìn ra một điểm cách xa khoảng 20 feet (tương đương 6.1 mét) trong vòng 20 giây.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa Atropine nồng độ thấp sẽ hỗ trợ làm chậm tốc độ tăng độ cận. Độ tuổi khuyến cáo sử dụng thuốc nhỏ mắt này trong các nghiên cứu là từ 6 tuổi trở lên có độ cận tăng ít nhất -0.5 Diop trong vòng 6 tháng trước đó. Vì vậy để có thể sử dụng thì người cận thị hoặc trẻ bị cận thị cần đi thăm khám và nghe tư vấn của bác sĩ.

Phương pháp sử dụng kính áp tròng cứng Ortho-K. Ortho-K là phương pháp đeo kính điều chỉnh độ khúc xạ tạm thời khi đi ngủ (trung bình 6 – 8 giờ mỗi đêm) và tháo ra khi thức dậy vào sáng hôm sau. Trẻ sẽ có được tầm nhìn rõ nét vào ban ngày mà không cần đeo kính gọng hay kính áp tròng.

Những trường hợp có độ cận thấp, người bệnh có thể chỉ cần điều chỉnh sinh hoạt theo tư vấn của bác sĩ để cải thiện tầm nhìn tốt nhất.

Nếu người cận thị có độ cận cao hoặc mức độ gia tăng độ cận nhanh thì bác sĩ có thể cân nhắc đưa ra lời khuyên kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả tích cực.

Qua đây chúng ta có thể đã biết được thêm về độ cận thị và tiến triển cận thị. Để phát hiện và kịp thời điều trị cận thị cũng như các bệnh về mắt, chúng ta nên đi khám định kỳ 3-6 tháng 1 lần ngay cả khi chưa bị cận nhé.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

Theo suckhoedoisong.vn