Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố hồi tháng 12.2021, tỷ lệ trẻ có rối loạn phổ tự kỷ ở nhóm 8 tuổi năm 2018 là 2,3%. Trẻ nam có tỷ lệ cao hơn trẻ nữ khoảng 4 - 6 lần.
|
Can thiệp điều trị trẻ mắc tự kỷ tại Khoa Nhi - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội
|
Rối loạn phổ tự kỷ có thể gặp ở mọi tầng lớp xã hội, văn hóa, dân tộc. Tại VN, theo nghiên cứu năm 2018 của Trường đại học Y tế công cộng (Bộ Y tế) thực hiện tại 7 địa phương đại diện cho các vùng miền, tỷ lệ trẻ tự kỷ từ 18 - 30 tháng tuổi là 0,75%.
Hiện chưa có các bằng chứng khoa học cụ thể về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của rối loạn phổ tự kỷ. Yếu tố đóng vai trò chính trong bệnh sinh được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận là những bất thường đa gien. Ngoài ra, các yếu tố môi trường cũng được chứng minh có liên quan, bao gồm những bất thường trong quá trình thai nghén và sinh đẻ, tình trạng dinh dưỡng, sử dụng thuốc, cân nặng và môi trường sống của mẹ, các bệnh nhiễm khuẩn…
Bộ Y tế lần đầu tiên xuất bản “Hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ”. Theo hướng dẫn, rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về giao tiếp và tương tác xã hội, kèm theo những biểu hiện hành vi, sở thích, thói quen rập khuôn, giới hạn, những bất thường về điều hòa các giác quan.
Hướng dẫn cũng đề cập đến các liệu pháp can thiệp theo 3 lứa tuổi: mầm non (dưới 6 tuổi); tiểu học (6 - 11 tuổi) và vị thành niên (12 - 16 tuổi). Can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ là sự trợ giúp dành cho tất cả trẻ em có nguy cơ hoặc đã được chẩn đoán có rối loạn phổ tự kỷ, dựa trên nguyên lý “tất cả trẻ em đều có thể học được”.
Hướng dẫn lưu ý, can thiệp cho trẻ tự kỷ bắt đầu càng sớm càng tốt, có thể ngay khi phát hiện trẻ có khó khăn hoặc chậm trễ mà chưa cần đợi kết quả chẩn đoán chính xác từ các nhà chuyên môn.
Ở lứa mầm non, can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ dưới 6 tuổi được chú trọng, đặc biệt giai đoạn trước 3 tuổi, còn gọi là “giai đoạn vàng”. Can thiệp, đặc biệt là can thiệp sớm, có thể làm giảm mức độ ảnh hưởng của những khiếm khuyết và giúp trẻ đạt được những kỹ năng phát triển cần thiết để có một cuộc sống độc lập và thoải mái trong khả năng có thể; giúp cải thiện hiệu quả điều trị và làm tăng chất lượng sống của trẻ và gia đình sau này.
Theo Thanh niên