1. Đau thắt ngực không ổn định là gì?
Đau thắt ngực không ổn định là những cơn đau ở ngực do tình trạng máu và oxy không đủ để cung cấp nuôi tim. Đau thắt ngực có thể là triệu chứng của bệnh mạch vành hoặc xơ vữa động mạch khi các mảng bám từ cholesterol và chất béo bám bên trong động mạch. Cơn đau thắt ngực cũng có thể là do sự co thắt cơ bên trong của động mạch vành.
Đau thắt ngực không ổn định là đau ngực dữ dội, kéo dài và tái phát nhiều lần rất nguy hiểm và cần cấp cứu vì có thể gây tử vong.
2. Dấu hiệu của cơn đau thắt ngực không ổn định
- Có cơn đau nhẹ hoặc dữ dội gây khó chịu ở lồng ngực, người bệnh cảm giác như lồng ngực bị thắt lại và âm ỉ. Đau có thể lan đến những nơi khác: cánh tay (đặc biệt ở vùng cánh tay trái), cổ, vai, xương hàm…
- Có thể cảm thấy khó thở, buồn nôn, đổ mồ hôi và kiệt sức.
Đầu óc quay cuồng, đột nhiên có cảm giác yếu liệt, không thể đứng vững và có thể khụyu xuống ngay.
- Cảm giác nhịp tim nhanh bất thường.
- Ở phụ nữ sẽ xuất hiện các dấu hiệu không đặc hiệu như: khó thở, buồn nôn, đau hàm…
Các triệu chứng này thường xảy ra đột ngột, ngay cả khi người bệnh đang trong trạng thái nghỉ ngơi.
Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Chính vì thế nếu bất kỳ dấu hiệu bệnh kể trên, hoặc cảm giác đau thắt ngực khó chịu dai dẳng không dứt, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn và điều trị kịp thời.
3. Đối tượng nguy cơ bị đau thắt ngực không ổn định
Đau thắt ngực không ổn định có thể xuất hiện đột ngột bất cứ khi nào.
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau thắt ngực không ổn định:
- Những người có thói quen hút thuốc lá.
- Những người bệnh bị xơ vữa động mạch hay động mạch giòn và cứng.
- Người có tiền sử mắc các bệnh: tăng huyết áp, tiểu đường, nồng độ cholesterol trong máu cao…
- Có tiền sử gia đình từng mắc bệnh.
- Tuổi tác, giới tính, chủng tộc cũng tạo nên những nguy cơ gây bệnh nhất định.
4. Xét nghiệm chẩn đoán đau thắt ngực
Bệnh nhân khi đến bệnh viện với các dấu hiệu của đau thắt ngực không ổn định sẽ được bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm cần thiết như:
- Điện tâm đồ ECG: Giúp phát hiện dấu hiệu lưu thông máu kém (động mạch vành bị tắc nghẽn), tổn thương cơ tim và nhịp tim bất thường…
- Xét nghiệm máu đo nồng độ men tim: nhằm phát hiện ra sự tổn thương của tế bào cơ tim.
5. Điều trị đau thắt ngực không ổn định
Ngay khi nghi ngờ bị đau thắt ngực không ổn định cần đến cơ sở y tế để thăm khám để tiến hành các xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và phương án điều trị tốt nhất.
Đầu tiên là cấp cứu ổn định tình trạng bệnh, sau đó bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc: chống đông máu, giảm đau và oxy trợ giúp cho hô hấp.
Ngoài ra, căn cứ vào thể trạng của người bệnh bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc có tác dụng làm giãn động mạch và kiểm soát huyết áp.
Nếu trường hợp bệnh nhân nặng và không đáp ứng điều trị nội khoa, bác sĩ có thể sẽ chỉ định các giải pháp điều trị đau thắt ngực không ổn định: phẫu thuật bắc cầu mạch vành hay phẫu thuật nong mạch vành bằng bóng và đặt stent...
Nên ăn rau quả hàng ngày để phòng bệnh.
6. Phòng ngừa đau thắt ngực không ổn định
Bệnh đau thắt ngực không ổn định mang lại rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe người bệnh nên việc phòng chống bệnh cần được đặc biệt lưu ý. Các bác sĩ khuyên:
- Nên xây dựng lối sống lành mạnh: nói không với rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.
- Có kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh để căng thẳng, stress quá lâu.
- Nên ăn uống lành mạnh với đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao đề kháng.
- Duy trì cân nặng ở mức cho phép; Tuyệt đối không để thừa cân béo phì.
- Cần tuân thủ điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nên tìm hiểu cách sơ cứu từ bác sĩ khi bị đau thắt ngực không ổn định.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Khác với đau thắt ngực ổn định, cơn đau thắt ngực không ổn định sẽ không thuyên giảm khi bạn nghỉ ngơi hay dùng thuốc. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện. Nếu không dự phòng điều trị tốt, người bệnh sẽ có nguy cơ cao tử vong sớm. Chính vì thế, khi thấy dấu hiệu của đau thắt ngực không ổn định, tốt nhất người bệnh nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và xác định chính xác tình trạng sức khỏe để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn