100gr măng bị kẹt trong dạ dày bệnh nhân, vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội gắp ra - Ảnh: L.Anh

Nhưng khi đến bệnh viện mới tá hỏa vì thấy "thủ phạm" chính là thức ăn, các loại trái cây vừa sử dụng.

Măng quyện thành cục

Gần đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội tiếp nhận một nam bệnh nhân 59 tuổi, nhập viện với các biểu hiện đầy bụng, ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ và nóng rát vùng thượng vị...

Các bác sĩ xác định bệnh nhân này bị tắc ruột và nội soi gắp bã thức ăn ra khỏi dạ dày cho bệnh nhân. Sau 1 giờ 30 phút, các bác sĩ lấy ra được khoảng 100gr măng quyện thành cục trong dạ dày bệnh nhân, không thể cắt nhỏ để khối này đi xuống ruột mà phải gắp từng mảnh nhỏ măng ra ngoài.

Đây là một trong hai ca bệnh tắc ruột do thức ăn xảy ra gần đây. Hôm 10-4, một phòng khám ở tỉnh Yên Bái cũng ghi nhận nữ bệnh nhân 76 tuổi có khối bã thức ăn màu vàng, kích thước 3x4cm cứng chắc trong dạ dày.

Hỏi tiền sử được biết bệnh nhân nghe nói bột nghệ có tác dụng tốt cho sức khỏe, nên gần đây thường xuyên dùng tinh bột nghệ nấu canh ăn hằng ngày.

Tinh bột nghệ vào dạ dày, quyện với chất xơ có trong thức ăn đã tạo nên một khối bã kết dính, gây đau bụng, tổn thương dạ dày người bệnh.

Khuyến cáo những thức ăn dễ gây tắc ruột

Bác sĩ Vũ Huy Hiền, trưởng khoa thăm dò chức năng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho hay khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin, như hồng ngâm, xoài xanh, ổi, và các thức ăn có nhiều chất xơ như măng, rau muống, cam, bưởi, quýt, mít, bắp.

Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, bởi nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa, làm dính các sợi xơ thực vật, dễ tạo thành khối bã rắn chắc.

Ngoài ra, thói quen ăn nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc ruột do bã thức ăn.

Vì vậy, nguyên tắc khi sử dụng các loại thực phẩm dễ gây chứng tắc ruột là cần ăn ổi, hồng ngâm khi đã no, không sử dụng khi đói.

Món măng cần nấu kỹ, nhừ, nhai kỹ khi ăn. Việc uống đủ nước (ít nhất 2 lít nước/ngày), tăng cường vận động giúp ruột được lưu thông tốt hơn cũng là biện pháp hữu hiệu.

Bác sĩ Hiền cũng cho rằng tắc ruột do thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa khá thường gặp, và loại thường gặp nhất là khối bã thức ăn thực vật.

Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân và có thể dẫn tới cả tử vong.

Theo tuoitre