Tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho người dân tại Coventry, Anh, ngày 8/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ Y tế Canada cảnh báo những người dị ứng với bất cứ thành phần nào của vắcxin ngừa COVID-19, do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế, không nên tiêm phòng loại vắcxin này.
Trong một thông báo đưa ra ngày 12/12, bộ trên cho biết đã ra cảnh báo sau thông tin về 2 trường hợp phản ứng phản vệ với vắcxin nói trên tại Anh.
Các trường hợp phản ứng phản vệ sau khi tiêm vắcxin xảy ra ngày 8/12 vừa qua và 2 người này có tiền sử dị ứng nghiêm trọng, phải mang theo các bút tiêm adrenaline tự động. Sau đó, cả hai được điều trị và đã bình phục.
Bộ Y tế Canada đã liệt kê các thành phần trong vắcxin của Pfizer/BioNTech và hối thúc những người dị ứng nghiêm trọng với các loại vắcxin, thuốc hoặc thực phẩm khác nên hỏi ý kiến các chuyên gia y tế trước khi tiêm.
Bộ trên cũng nhấn mạnh chưa phát hiện những vấn đề đáng lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn của vắcxin, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình.
Trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo 249.000 liều vắcxin của Pfizer/BioNTech sẽ được vận chuyển đến nước này vào cuối tháng 12/2020 để bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà.
Vắcxin của Pfizer/BioNTech là một trong 4 ứng cử viên vắcxin mà Bộ Y tế Canada đang đánh giá hiệu quả. Ba ứng cử viên còn lại là 3 vắcxin của các hãng Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Ngày 12/12, Chính phủ Brazil đã công bố kế hoạch quốc gia về tiêm chủng vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với mục tiêu giai đoạn đầu là tiêm cho 51 triệu người, tức 25% dân số nước này, trong nửa đầu năm 2021.
Trong một văn bản trình Tòa án Tối cao, Bộ Y tế cho biết 108 triệu liều vắcxin sẽ có sẵn tại Brazil và ưu tiên cho những nhóm dễ bị tổn thương gồm các nhân viên y tế, người cao tuổi và các cộng đồng bản địa.
Theo kế hoạch, khoảng 148 triệu người trong tổng số 212 triệu dân, tức 70% dân số Brazil, cần được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 và mỗi người sẽ cần tiêm 2 mũi vắcxin. Kế hoạch hiện nay chỉ đạt gần 30% mục tiêu trên.
Trong khi đó, bản kế hoạch của Chính phủ Brazil không đề cập đến thời điểm bắt đầu triển khai chương trình tiêm phòng cho người dân cũng như không nêu rõ các nguồn cung vắcxin. Hiện Chính phủ Brazil có kế hoạch dành 20 tỷ real (4 tỷ USD) trong ngân sách để mua vắcxin ngừa COVID-19.
Hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh LATAM thông báo sẽ vận chuyển miễn phí vắcxin ngừa COVID-19. (Nguồn: prnewswire.com)
Cùng ngày, hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh có trụ sở tại thành phố Santiago (Chile) LATAM thông báo sẽ vận chuyển miễn phí vắcxin ngừa COVID-19 tại các quốc gia mà hãng này cung cấp dịch vụ bay nội địa.
Theo đó, hãng LATAM sẽ cung cấp cho các cơ quan chức năng của các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Chile, Colombia, Ecuador và Peru dịch vụ vận chuyển miễn phí những loại thuốc ngừa COVID-19 ngay khi chúng có sẵn.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, LATAM là hãng hàng không duy nhất ở châu Mỹ có chứng nhận của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) về vận chuyển đáng tin cậy các sản phẩm nhạy cảm với thời gian và nhiệt độ CEIV Pharma Tiêu chuẩn CEIV có mục đích hỗ trợ các hãng hàng không tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn được quốc tế công nhận trong việc xử lý các sản phẩm dược phẩm.
Giám đốc điều hành của LATAM Roberto Alvo cho biết tần suất bay của hãng này trong tháng 12/2020 ước đạt 38% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với 22.000 chuyến bay.
Hiện tập đoàn LATAM kết nối 110 điểm đến tại 16 quốc gia. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hãng hàng không này khai thác đến 145 tuyến bay tại 26 quốc gia.
Theo Vietnamplus