leftcenterrightdel
Căng thẳng gây ra ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Ảnh Ai - Thiện Nhân 

Căng thẳng là gì?

Căng thẳng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước áp lực hoặc nhu cầu trong cuộc sống. Nó có thể do nhiều yếu tố khác nhau như công việc, các mối quan hệ, tài chính hoặc những thay đổi lớn trong cuộc sống, bao gồm cả hôn nhân. Khi đối mặt với căng thẳng, cơ thể bạn sẽ tiết ra các hormone như adrenaline và cortisol.

Theo Tiến sĩ Rahul Chandhok, Chuyên gia khoa học hành vi và sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Artemis, Ấn Độ cho biết, căng thẳng ở một mức độ nào đó có thể có lợi giúp thúc đẩy bạn hoạt động tốt hơn, nhưng căng thẳng mạn tính sẽ gây ra các tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Căng thẳng gây ra ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như thế nào?

Tăng nồng độ cortisol: Theo Tiến sĩ Rahul Chandhok, căng thẳng kích hoạt giải phóng cortisol, một loại hormone giúp cơ thể phản ứng với căng thẳng. Tuy nhiên, nồng độ cortisol tăng cao mạn tính có thể ức chế chức năng miễn dịch bằng cách giảm sản xuất tế bào lympho, đây là những tế bào bạch cầu cần thiết để chống lại nhiễm trùng.

Viêm: Căng thẳng kéo dài có thể thúc đẩy tình trạng viêm trong cơ thể, điều này có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch. Tình trạng viêm mạn tính có thể làm suy giảm khả năng chống lại mầm bệnh của cơ thể và làm tăng khả năng mắc bệnh.

Gián đoạn giấc ngủ: Căng thẳng thường làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém hoặc mất ngủ. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, hệ thống miễn dịch có thể bị suy yếu.

Tác động đến sức khỏe đường ruột: Căng thẳng mạn tính có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột, làm suy giảm chức năng miễn dịch và làm tăng khả năng bị nhiễm trùng, viêm đường tiêu hóa.

Làm thế nào để kiểm soát căng thẳng để tăng cường khả năng miễn dịch?

Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp giảm hormone căng thẳng, kích thích sản xuất endorphin và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Chế độ ăn uống lành mạnh: Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa thiết yếu hỗ trợ chức năng miễn dịch và chống lại tác động của căng thẳng.

Kỹ thuật giảm căng thẳng: Các bài tập thở sâu, thiền là một số kỹ thuật thư giãn giúp giảm mức độ căng thẳng và tăng cường chức năng miễn dịch.

Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc sẽ giúp hệ miễn dịch làm việc hiệu quả và năng suất hơn, từ đó tăng sức đề kháng để bảo vệ cơ thể, tránh cảm giác mệt mỏi và kiệt sức vào ban ngày.

Theo laodong