leftcenterrightdel
 Các bác sĩ tham gia một cuộc biểu tình rầm rộ để phản đối quyết định của chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y vào năm 2025, tại Công viên Yeouido Hangang vào ngày 3/3 - Ảnh: Yonhap

Tại Công viên Yeouido Hangang ở phía tây Seoul, các bác sĩ, thực tập sinh, người dân và sinh viên y khoa đã tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn để phản đối quyết định của chính phủ, vốn nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên trường y hàng năm lên 2.000 từ năm 2025.

Cuộc biểu tình trên đường phố đánh dấu đỉnh điểm của cuộc xung đột kéo dài gần 1 tháng giữa chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol và cộng đồng y tế. Không có dấu hiệu cho thấy khoảng cách giữa 2 bên đang thu hẹp.

Kim Taek-woo - Chủ tịch Ủy ban Ứng phó Khẩn cấp của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), tổ chức nghiệp đoàn bác sĩ lớn nhất nước này – nói: “Nếu chính phủ phớt lờ nỗ lực của các bác sĩ và cố gắng đàn áp chúng tôi, họ sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ công chúng”.

KMA cho biết ước tính có khoảng 40.000 người đã tham gia cuộc biểu tình ngày 3/3, trong khi cảnh sát cho biết con số này chỉ khoảng 8.500 - 9.000 người.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Han Duck-soo phát biểu trong cuộc họp ngày 3/3 - Ảnh: Yonhap

Cuộc biểu tình diễn ra sau ngày 29/2, thời hạn do chính phủ đặt ra để các bác sĩ thực tập sinh quay lại làm việc mà không phải đối mặt với hậu quả pháp lý.

Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức đáp trả cuộc biểu tình. Thủ tướng Han Duck-soo chỉ trích việc hầu hết các bác sĩ thực tập sinh vẫn chưa trở lại làm việc dù đã 3 ngày trôi qua kể từ thời hạn cuối cùng.

Trong một cuộc họp, ông Han nhấn mạnh "lập trường của chính phủ vẫn không thay đổi” và cho biết: “Nếu tình trạng bỏ trống các cơ sở y tế vẫn tiếp diễn, chính phủ sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp mà hiến pháp và luật pháp cho phép”.

Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Lee Sang-min tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với đài KBS trong ngày 3/3 rằng chính phủ “sẽ dành nhiều sự khoan dung nhất có thể cho các bác sĩ thực tập sinh quay trở lại vào hôm nay”.

leftcenterrightdel
 Một bác sĩ bước vào phòng phẫu thuật tại một trong những bệnh viện lớn ở Seoul vào ngày 27/2 - Ảnh: Newsis

Ông Lee cảnh báo: “Nếu họ không quay trở lại vào hôm nay, lập trường cơ bản của chính phủ là phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt theo luật pháp”. Do cuộc đình công chung kéo dài, chính phủ đã tăng cường áp lực đối với các bác sĩ.

Ủy viên Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul Cho Ji-ho thông báo hôm 3/3 rằng cảnh sát đã yêu cầu lệnh cấm đi lại đối với các giám đốc điều hành hiện tại của KMA, những người là mục tiêu trong cuộc đột kích của cảnh sát vào trụ sở của KMA hôm 1/3.

Bộ Y tế và Phúc lợi cũng đưa ra thông báo công khai tới 13 bác sĩ và kêu gọi họ quay trở lại làm việc để tránh bị phạt. Thông báo cũng khẳng định rằng những cá nhân từ chối lệnh làm việc mà không có lý do chính đáng có thể phải đối mặt với biện pháp kỷ luật và cáo buộc hình sự theo Đạo luật Dịch vụ Y tế.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ bác sĩ thực tập sinh chưa trở lại vị trí của họ tính đến 17g ngày 29/2 là rất cao. Trong số 100 bệnh viện nơi 95% bác sĩ thực tập sinh của Hàn Quốc làm việc, chỉ có 6% (565 người) quay trở lại vị trí của mình, trong khi 71,8% (8.945 người) vẫn tham gia các cuộc đình công chung.

Bắt đầu từ ngày 4/3, Bộ Y tế Hàn Quốc sẽ điều tra thực địa để xem bác sĩ nào không quay lại làm việc và áp dụng các thủ tục pháp lý để xử lý những người vắng mặt.

Ngày 4/3 cũng đánh dấu thời hạn cuối cùng mà chính phủ cho phép các đại học gửi yêu cầu mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y. Hiện tại, một số sinh viên trường y đã nộp đơn xin nghỉ học để phản đối quyết định của chính phủ về việc tăng chỉ tiêu sinh viên trường y.

Tính đến ngày 2/3, 5.385 sinh viên đã có yêu cầu nghỉ học được chấp nhận, chiếm 28,7% tổng số sinh viên tại 40 trường y trên toàn quốc.

Hiệp hội Y khoa Thế giới, tổ chức quốc tế đại diện cho các bác sĩ trên toàn cầu, đã đưa ra một tuyên bố chính thức vào ngày 1/3, nói rằng họ “ủng hộ” KMA và các bác sĩ tại Hàn Quốc.

Theo phụ nữ TPHCM