|
|
Bệnh "cúm cà chua" được đặt tên dựa theo những nốt phát ban đỏ trên da của trẻ |
Khi thế giới tiếp tục cuộc chiến chống lại COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ ngày càng lan rộng, có vẻ như có một căn bệnh khác đang âm thầm lan rộng trong dân chúng.
"Cúm cà chua" lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào ngày 6/5 và cho đến nay đã lây nhiễm cho 82 trẻ em, tất cả đều dưới 5 tuổi, theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Hô hấp Lancet.
Ngoài ra, tờ New York Post đưa tin, có thêm 26 trẻ từ 10 tuổi trở xuống bị nghi ngờ mắc bệnh ''cúm cà chua''. Bệnh được đặt tên theo các mụn nước đỏ xuất hiện trên da. Dữ liệu cho thấy loại virus mới này có khả năng gây sốt và đau khớp.
“Khi chúng ta đối phó với đợt bùng phát thứ tư của COVID-19, một loại bệnh do virus mới gọi là ''cúm cà chua'' - hoặc bệnh ''sốt cà chua'', đã xuất hiện ở bang Kerala, Ấn Độ, tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi,” Lancet đưa tin.
Các chuyên gia y tế khuyến nghị: “Bệnh nhiễm virus hiếm gặp đang lưu hành và được coi là không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, từ trải nghiệm đáng sợ của đại dịch COVID-19, chúng ta nên thận trọng để ngăn chặn các đợt bùng phát tiếp theo”.
Cho đến nay, virus này đã được phát hiện ở quận Kollam của Kerala, Ấn Độ, và các khu vực lân cận như Anchal, Aryankavu và Neduvathur.
Bài báo của Lancet cho biết thêm: “Trẻ em có nhiều nguy cơ tiếp xúc với bệnh ''cúm cà chua'' vì nhiễm virus rất phổ biến ở lứa tuổi này. Sự lây lan có khả năng do tiếp xúc gần gũi”.
Các nhà y học cho biết, hiện chưa có thuốc để chống lại ''cúm cà chua''. Bệnh rất dễ lây lan và có những điểm tương đồng nổi bật với bệnh tay chân miệng.
Tuy các triệu chứng của ''cúm cà chua'' tương tự như các triệu chứng của COVID-19 (cả hai đều gây sốt, mệt mỏi, đau người và một số bệnh nhân mắc COVID-19 cũng báo cáo phát ban trên da), virus gây bệnh được cho là không liên quan đến SARS-CoV-2.
Nghiên cứu nêu: “Do những điểm tương đồng với bệnh tay chân miệng, nếu sự bùng phát của bệnh ''cúm cà chua'' ở trẻ em không được kiểm soát và ngăn chặn, sự lây truyền có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng do khả năng lây lan cho người lớn”.
Một số trường hợp, mặc dù rất ít, đã báo cáo sự thay đổi màu sắc da ở chân tay.
Tiến sĩ Subhash Chandra, trợ lý giáo sư nội khoa tại Bệnh viện Amrita nói với India Today: “Đây không phải là một căn bệnh gây tử vong, nhưng nó dễ lây lan và có thể truyền từ người này sang người khác. Những bệnh nhân bị ''sốt cà chua'' nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi, vì đối với các bệnh sốt siêu vi khác, bác sĩ cũng khuyên rằng nên giữ cho cơ thể đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ”.
Hiện tại, người nhiễm virus ''cúm cà chua'' phải cách ly từ 5 đến 7 ngày.
Theo phunuonline.com.vn