|
|
Tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ. Ảnh: Lệ Hà |
Bỏ lỡ tiêm chủng khiến bệnh sởi tăng
WHO cho biết, các trường hợp mắc bệnh sởi đang gia tăng ở hầu hết các khu vực, chủ yếu là do bỏ lỡ tiêm chủng trong những năm xảy ra dịch COVID-19, khi hệ thống y tế bị quá tải và tụt hậu so với việc tiêm chủng định kỳ, cho các bệnh có thể phòng ngừa được.
Năm 2024 có những khoảng trống lớn trong các chương trình tiêm chủng và nếu không nhanh chóng lấp đầy chúng bằng vaccine, bệnh sởi sẽ nhảy vào khoảng trống đó.
ThS Đỗ Thị Thúy Hậu - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nếu không được điều trị đúng cách, sởi có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp mắc sởi chưa được tiêm phòng bệnh này. Đáng chú ý là trong số các bệnh nhi chưa tiêm phòng sởi có hơn một nửa chưa đến tuổi tiêm phòng.
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện qua giám sát của Chương trình tiêm chủng mở rộng, số mắc sởi hiện nay rất thấp, thấp hơn những năm 2017-2019. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan vì virus sởi rất đặc thù, do đối tượng đích của virus sởi là con người nên cá thể nào chưa mắc thì sẽ mắc sởi.
Chu kỳ sau 4-5 năm sẽ có nguy cơ bùng phát dịch sởi và năm 2024 là năm nằm trong logic chu kỳ này nên có nguy cơ cao.
Mùa Đông - Xuân dễ bùng phát dịch sởi
ThS Đỗ Thị Thúy Hậu cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Giai đoạn giao mùa Đông - Xuân (Tháng 1 - 3) này là thời điểm sởi bùng phát nhiều nhất. Khu vực miền Bắc và miền Trung có thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi để virus sởi phát triển. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan. Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn.
"Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà. Cần chú ý không cho bệnh nhi tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi. Trẻ mắc sởi nhẹ chăm sóc tại gia đình cần được theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên chủ quan", ThS Đỗ Thị Thúy Hậu cho hay.
Triệu chứng của trẻ khi mắc sởi gồm: Sốt, chảy nước mắt, mũi, ho khan, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng; mắt có gỉ, sưng nề mí mắt… Ban sởi thường mọc vào ngày thứ 4 - ngày thứ 6 của bệnh, mọc theo thứ tự: Ban mọc từ đầu, mặt, cổ (vào ngày thứ nhất), đến ngực, lưng, cánh tay (ngày thứ 2), tiếp đến là mọc ở bụng, mông, đùi, chân (ngày thứ 3). Khi ban mọc đến chân, thường trẻ đã hết sốt và ban bắt đầu bay dần.
Trẻ mắc sởi có thể bị các biến chứng như: Biến chứng đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; biến chứng thần kinh như viêm não, viêm màng não; biến chứng đường tiêu hóa như viêm ruột; biến chứng về thị giác như viêm loét giác mạc, có thể gây mù lòa…
|
Theo laodong