Những cái chết gần đây của hàng trăm trẻ em liên quan đến tổn thương thận cấp tính ở Gambia và Indonesia đã gây ra báo động trên toàn thế giới. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do các chất độc hại trong si rô ho gây ra.

Một phụ nữ đang đưa con gái đi khám tại bệnh viện ở Bundung, Gambia - ẢNH: REUTERS
Một phụ nữ đang đưa con gái đi khám tại bệnh viện ở Bundung, Gambia - ẢNH: REUTERS

Tháng trước, những trường hợp tử vong đầu tiên được báo cáo ở Gambia khiến các nhà chức trách phải mở một cuộc điều tra. Riêng Indonesia trong tháng này đã ban bố lệnh cấm đối với tất cả thuốc dạng nước và si rô sau khi hàng trăm trẻ em được báo cáo nhiễm bệnh và tử vong vì tổn thương thận cấp tính. Theo các cơ quan y tế của Gambia và Indonesia, không có mối liên hệ nào được xác nhận giữa các vụ việc ở hai nước, nhưng các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. 

Vào tháng Chín, Chính phủ Gambia thông báo họ đang tiến hành một cuộc điều tra cái chết của 28 trẻ em do các vấn đề cấp tính về thận sau khi chúng uống một loại si rô paracetamol để điều trị sốt. Vài ngày sau, Gambia thông báo có đến 70 trẻ chết, điều này khiến thế giới phải quan tâm và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng vào cuộc điều tra.

Đầu tháng Mười, WHO cho biết những ca tử vong ở Gambia có thể liên quan đến bốn loại si rô chữa ho và cảm bị nhiễm độc do Maiden Pharmaceuticals - một hãng dược Ấn Độ - sản xuất.

Trong một thông báo ngày 5/10, WHO cho biết hàm lượng quá mức của diethylene glycol và ethylene glycol đã được tìm thấy trong bốn sản phẩm do Maiden Pharmaceuticals sản xuất và bán ở Gambia. Các sản phẩm đó gồm Promethazine Oral Solution, si rô ho trẻ em Kofexmalin, si rô ho trẻ em Makoff và si rô cảm lạnh Magrip N. Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cảnh báo việc sử dụng chúng có thể dẫn đến tổn hại nghiêm trọng hoặc tử vong, đặc biệt là ở trẻ em.

WHO cho hay bốn loại si rô này có chứa “một lượng không thể chấp nhận” các chất diethylene glycol và ethylene glycol - có thể gây hại cho não, phổi, gan và thận với các triệu chứng bao gồm trạng thái tinh thần thay đổi, co thắt dạ dày, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. 

Chính quyền Gambia sau đó đã ra lệnh thu hồi tất cả si rô trị ho và cảm lạnh đang lưu hành tại nước này, mở rộng phạm vi thu hồi trước đó đối với các loại thuốc có chứa paracetamol hoặc si rô promethazine. Tại Ấn Độ, giữa tháng Mười, các cơ quan y tế cũng ra lệnh tạm thời dừng mọi hoạt động của Maiden Pharmaceuticals sau khi phát hiện vi phạm tại các cơ sở sản xuất của công ty này ở bang Haryana. 

Sau khi WHO thông báo về những cái chết của trẻ em ở Gambia, Indonesia cũng bất ngờ thông báo điều tra về cái chết của khoảng 20 trẻ em do tổn thương thận cấp tính vào đầu tháng Mười. Cùng các quan chức của WHO, các nhà chức trách đã thành lập một nhóm chuyên gia để điều tra các trường hợp tử vong. Điều đáng nói, số trẻ tử vong được báo cáo tăng liên tục ở nước này. Hôm 24/10, Indonesia thông báo có 141 trẻ tử vong, hầu hết bệnh nhân dưới năm tuổi.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết những loại thuốc khiến trẻ chết ở Gambia không có mặt ở Indonesia nhưng các loại si rô mà trẻ nhỏ ở nước này sử dụng và tử vong cũng có ethylene glycol và diethylene glycol. Theo cơ quan y tế nước này, có đến năm loại thuốc sản xuất trong nước, (trong số 26 loại được kiểm tra) có chứa hàm lượng ethylene glycol vượt mức cho phép và hiện đã cấm lưu hành và phải tiêu hủy.

WHO đã cảnh báo toàn cầu cần cẩn trọng vì bốn sản phẩm được xác định ở Gambia có thể đã được phân phối, thông qua các thị trường không chính thức, đến các quốc gia hoặc khu vực khác. Hôm 24/10, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia cho biết, họ hướng tới việc yêu cầu truy tố hình sự hai công ty dược phẩm sản xuất loại si rô gây nên những cái chết của trẻ em nước này. 

Theo phụ nữ TPHCM