leftcenterrightdel
Thế hệ Millennials nhận thấy sức khỏe của mình suy giảm nhanh hơn so với thế hệ cha mẹ họ. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator) 

 

Thế hệ Millennials - những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996 - có ý thức về sức khỏe hơn các thế hệ trước. Nhưng nghịch lý là họ nhận thấy sức khỏe của mình suy giảm nhanh hơn so với thế hệ cha mẹ họ.

Đó là kết luận được đưa ra dựa trên nghiên cứu năm 2020 của công ty bảo hiểm y tế Blue Cross Blue Shield (Mỹ).

Theo South China Morning Postdữ liệu cho thấy sự suy giảm này áp dụng cho cả sức khỏe thể chất (biểu hiện trong các tình trạng như tăng huyết áp và cholesterol cao) và sức khỏe tâm thần (biểu hiện ở các trường hợp trầm cảm và rối loạn lo âu).

Các chuyên gia cho rằng điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ mà còn ở châu Á.

Thế hệ Millennials Hàn Quốc đang già đi nhanh hơn cha mẹ họ

Giáo sư Jung Hee-won, thuộc khoa lão khoa tại Trung tâm y tế Asan ở Seoul, Hàn Quốc, cảnh báo rằng những người trẻ tuổi đang trên đà trở thành thế hệ đầu tiên già đi nhanh hơn cha mẹ họ.

Giáo sư Jung nói: “Những người ở độ tuổi 30 và 40 dễ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác mà đáng ra những người ở độ tuổi 50 và 60 mới gặp phải.” Điều này có nghĩa là họ có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì, tiểu đường, ung thư và bệnh tim cao hơn. Tất cả đều có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Giáo sư Jung cho biết một số yếu tố góp phần gây ra tình trạng này có thể kể đến như việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn có sẵn, bao gồm cả thực phẩm nhiều đường; không hoạt động thể chất; thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống và khó khăn về tài chính.

Nhiều nghiên cứu đã liên kết béo phì với quá trình lão hóa nhanh, một phần vì béo phì góp phần gây tổn hại DNA xảy ra khi lão hóa.

Một nghiên cứu toàn quốc của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho thấy hơn một nửa nam giới ở độ tuổi 30 và 40 (54,9% ở độ tuổi 30 và 54,2% ở độ tuổi 40) bị béo phì vào năm 2021.

Trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ béo phì ở nhóm tuổi này thấp hơn một chút, lần lượt là 48,9% và 46,2%.

leftcenterrightdel
 (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)

 

Giáo sư Jung cho biết mặc dù tỷ lệ béo phì ở phụ nữ không cao bằng nam giới - 19% phụ nữ ở độ tuổi 30 và 19,7% ở độ tuổi 40, vào năm 2022 song có nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng "skinny fat" - trông có vẻ gầy nhưng lượng mỡ cao, lượng cơ thấp.

Họ có tỷ lệ mỡ cơ thể tương đối cao và thiếu cơ bắp ở tay, chân.

Các nghiên cứu cho thấy tình trạng này làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, một tác nhân đẩy nhanh quá trình lão hóa khác.

Thế hệ Millennials ở Hong Kong không hài lòng với sức khỏe tổng thể

Au Yeung Tung-wai, phó giáo sư phụ trợ tại Jockey Club Institute of Ageing ở Đại học Trung văn Hong Kong, cho biết ngày càng có nhiều thanh niên có tuổi sinh học lớn hơn tuổi tính theo thời gian sống.

"Thông qua những lần tiếp xúc hàng ngày với mọi người và đo sức mạnh cầm nắm, tôi nghĩ đúng là Millennials có thể yếu hơn cha mẹ họ khi ở cùng độ tuổi," ông nói.

Ông cũng nhận thấy các tình trạng liên quan đến tuổi tác như béo phì và tiểu đường phát triển sớm hơn trước.

Vậy nguyên nhân là gì?

Au đưa ra lý giải về nguyên nhân của việc người trẻ ngày nay lão hóa nhanh hơn.

“Trước đây, chúng tôi phải đi bộ và vận động nhiều. Nhưng sau sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng vào những năm 1970, mọi người ít tập thể dục hơn và dành phần lớn thời gian giải trí trên mạng xã hội thay vì tham gia các hoạt động thể chất,” ông nói.

Kết quả của một cuộc khảo sát năm 2022 của công ty bảo hiểm sức khỏe Bupa ở Hong Kong với 500 người thuộc thế hệ Millennials trong độ tuổi 25-40 nhấn mạnh rằng những người trẻ tuổi không ưu tiên sức khỏe của mình, mặc dù họ biết điều đó nên làm.

Hơn 6 trong số 10 người được hỏi cho rằng họ có ý thức về sức khỏe nhưng chưa đến một nửa (48%) hài lòng với sức khỏe tổng thể của họ.

Hơn một nửa (53%) cho biết họ không có đủ thời gian để duy trì lối sống lành mạnh và 45% cho biết họ tập thể dục ít hơn một lần một tuần.

Gần một nửa (48%) tin rằng căng thẳng khiến họ không thể khỏe mạnh hơn và cho biết họ thường mắc các bệnh liên quan đến văn phòng như đau cổ vai gáy, mỏi mắt quá mức và đau đầu.

Cách bảo vệ sức khỏe

Bà Reshma Merchant, phó giáo sư tại khoa y của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng nhóm người trẻ lão hóa nhanh là những cá nhân cô đơn, có nhiều lo lắng và ít vận động hơn so với thế hệ cha mẹ khi cùng độ tuổi.

Theo Reshma Merchant, lão hóa nhanh tác động đến kinh tế về lâu dài. "Nếu tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính tăng lên thì năng suất lao động cũng sẽ bị giảm sút," bà giải thích.

Đó là lý do tại sao bà ca ngợi những nỗ lực của Chính phủ Singapore trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lão hóa. Singapore đã có nhiều chính sách giúp người dân năng động, gắn kết với xã hội và lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn.

Ở Singapore, những con đường đi bộ và đường đi xe đạp được thiết lập chạy từ bờ biển này sang bờ biển khác, xuyên qua và xung quanh hòn đảo, đồng thời nối liền nhiều công viên của thành phố. Lực lượng chức năng cũng cung cấp rất nhiều thiết bị tập thể dục trong công viên. Những điều này đã khuyến khích lối sống năng động, bà Merchant cho biết.

leftcenterrightdel
Mọi người đi bộ nhiều ở Singapore. (Nguồn: Shutterstock) 

 

Chính phủ Singapore cũng cắt giảm lượng đường cho phép trong đồ uống có đường và đưa ra hệ thống dán nhãn Nutri-Grade 4 cấp, dựa trên hàm lượng đường và chất béo bão hòa trong đồ uống, để giúp người Singapore có những lựa chọn lành mạnh hơn.

Bà Merchant, ở độ tuổi ngoài 50, đã gợi ý hai phương thuốc chính để phòng ngừa các bệnh liên quan đến tuổi già mà bà tự áp dụng là tập thể dục và ăn uống điều độ.

"Tôi đến phòng tập thể dục hai lần một tuần để tập sức bền và đốt cháy calo. Sau khi tích cực thực hiện điều này trong hơn 18 tháng, mọi cơn đau nhức của tôi đều biến mất," bà nói./.

Theo vietnamplus