Khi sử dụng thuốc hạ sốt, cần tuân thủ đúng liều, theo đúng hướng dẫn - SHUTTERSTOCK
Tăng nguy cơ xuất huyết, chảy máu
Theo TS-BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi T.Ư, có xu hướng tăng các trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện.
Khởi đầu, trẻ mắc sốt xuất huyết có sốt cao và thường sốt cao trong 2 - 3 ngày đầu, có thể kèm theo ban xuất huyết trên da, đau bụng, nôn ói, kém ăn, tiểu ít... Các trường hợp nặng có thể xuất huyết tiêu hóa, rối loạn ý thức.
TS-BS Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Sốt xuất huyết gây sốt cao, có thể lên đến 39 - 40 độ C, cần hạ sốt kịp thời cho trẻ. Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc aspirin và ibuprofen”. Thuốc có tác dụng hạ sốt sâu, kéo dài nhưng có nhiều tác dụng phụ, ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến bệnh nhân tăng nguy cơ chảy máu. Aspirin còn có tác dụng phụ gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu. “Bệnh nhân sốt xuất huyết nếu uống 2 thuốc trên, ở thể nhẹ có thể chỉ xuất huyết dưới da, thể nặng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu răng, chảy máu cam, thậm chí nôn ra máu, chảy máu ồ ạt”, BS Lâm khuyến cáo.
BS Lâm hướng dẫn: Trong vụ dịch sốt xuất huyết, nên hạ sốt cho trẻ nhỏ bằng paracetamol, nhưng phải dùng đúng liều lượng (10 - 15 mg/kg cân nặng) và mỗi liều uống cách 4 - 6 tiếng.
Song song với hạ sốt, cha mẹ cần để trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, uống đủ nước. Nếu trường hợp hạ sốt không hiệu quả, cần đưa trẻ đến bệnh viện, tuyệt đối không tự ý tăng liều hoặc đổi thuốc hạ sốt với mong muốn tác dụng “mạnh hơn”, vì có thể gây ngộ độc do quá liều hoặc dùng thuốc không phù hợp.
Không chủ quan với paracetamol
Theo TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): “Paracetamol là thuốc không kê đơn, nhưng có thể sẽ là thuốc gây ngộ độc thường gặp nhất trong các tân dược vì người bị đau, sốt đều dùng. Paracetamol là thuốc hạ sốt an toàn cho người mắc sốt xuất huyết nhưng vẫn có thể gây ngộ độc nếu dùng không đúng”.
BS Nguyên cho biết, người dân ngộ độc thuốc paracetamol thường do tự dùng thuốc sai dẫn đến quá liều, do quá liều lặp lại nhiều lần. Các trường hợp ngộ độc hay xảy ra khi sốt cao, sốt dai dẳng kéo dài, người bị đau kéo dài.
“Người dùng paracetamol có xu hướng không quan tâm đến liều lượng, đặc biệt là tình huống “uống xong không đỡ lại uống thêm”. Nhưng vấn đề là tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, không để ý đến khoảng cách giữa các liều cho phép, không để ý đến tổng liều tối đa được phép, dẫn tới quá liều gây ngộ độc”, BS Nguyên lưu ý.
Chuyên gia chống độc khuyến cáo: Sử dụng thuốc giảm đau, dù là thuốc không kê đơn, vẫn luôn cần tuân thủ đúng liều trong mỗi lần uống, khoảng cách giữa các lần uống. Các trường hợp có bệnh lý, có sử dụng thuốc điều trị bệnh khác, cần thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt an toàn, hợp lý.
Lưu ý khi sử dụng paracetamol Khi sử dụng paracetamol cần lưu ý: 1 ngày (24 giờ) chỉ dùng không quá 3 gr (tương đương 6 viên 500 mg). Mỗi liều uống gần nhất cũng phải cách 4 tiếng. Trên mức đó là quá liều. Có thể chưa ngộ độc ngay, nhưng sau đó có thể bị. Trẻ em cũng cần lưu ý về liều, khoảng cách uống. Nếu không tuân thủ, lặp đi lặp lại việc quá liều, rất dễ ngộ độc. Người gầy yếu, sốt cao kéo dài, người có bệnh gan, người nghiện rượu và người dùng một số thuốc có tương tác (thuốc chống động kinh, chống lao...) thì có thể không cần đến quá liều, thậm chí chưa đến ngưỡng liều dùng cũng có thể bị ngộ độc paracetamol. TS-BS Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) |
Theo thanhnien