Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) có tới 50 – 80% bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp, đây cũng chính là 2 bệnh nền phổ biến tại nước ta.
Cơn tăng huyết áp bao gồm hai thể: Tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn cấp. Trong đó, tăng huyết áp cấp cứu có khả năng gây ra nhiều tổn thương cơ quan đích (tim, não, thận) nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Xuất huyết não cấp do tăng huyết áp, đái tháo đường type 2
Bệnh nhân nữ Đ.T.N.H (76 tuổi, ở Đông Hưng, Thái Bình) vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cứu chữa qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện cấp cứu tại Khoa Điều trị tích cực với chẩn đoán: Cơn tăng huyết áp – Viêm phổi – Đái tháo đường type 2 – Suy thận mạn/ Di chứng tai biến mạch não cũ.
Tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ khám cho thấy huyết áp đo được là 220/120 mmHg. Chụp cắt lớp vi tính sọ não cho kết quả: Xuất huyết não cấp tính vùng đồi thị bên phải; các ổ tổn thương cũ nhân bèo và cạnh não thất bên bên trái.
Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu tích cực, hồi sức nội khoa theo phác đồ: Kiểm soát huyết áp bằng thuốc đường tĩnh mạch, kháng sinh, kiểm soát đường máu kết hợp phục hồi chức năng tại giường khi dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Theo bác sĩ của Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thì tăng huyết áp cấp cứu được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg, và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120mmHg, có kèm theo tổn thương cơ quan đích (tim, não hoặc thận) mới xuất hiện hoặc nặng hơn.
Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân cần nhập viện khoa cấp cứu và kiểm soát huyết áp bằng thuốc đường tĩnh mạch. Tổn thương cơ quan đích thường gặp bao gồm: Đột quỵ (xuất huyết hoặc nhồi máu não), nhồi máu cơ tim cấp, phù phổi cấp, phình tách động mạch chủ hoặc suy thận cấp.
"Phương pháp điều trị tăng huyết áp khẩn cấp phổ biến là dùng thuốc uống và hạ huyết áp từ từ trong 24 – 48 giờ. Sở dĩ phải hạ huyết áp từ từ vì việc hạ huyết áp quá nhanh, đột ngột còn làm giảm tưới máu, từ đó gây tổn thương cơ quan đích nặng hơn, chẳng hạn như thiếu máu não hoặc thiếu máu cục bộ cơ tim", BS. Nguyễn Đăng Quân - Phó khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết.
Trước đó, không lâu Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân có cơn tăng huyết áp cấp cứu. Bệnh nhân là cụ N.T.M (78 tuổi) mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Khi bệnh nhân đang nằm điều trị hạ đường huyết tại bệnh viện tuyến cơ sở thì xuất hiện các triệu chứng: mệt nhiều, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đường máu không ổn định.
Khi đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được xác định là có cơn tăng huyết áp cấp cứu ở bệnh nhân tăng huyết áp mạn, với huyết áp khi nhập viện là 195/90 mmHg. Sau khi được các bác sĩ điều trị tích cực và truyền vincardipin theo phác đồ, huyết áp của bệnh nhân đã hạ và ổn định trở lại. Ngoài ra, bệnh nhân vẫn được cho dùng thuốc điều trị đái tháo đường và ăn theo chế độ ăn bệnh lý của bệnh viện.
Tăng huyết áp khiến đái tháo đường nặng hơn và ngược lại
Theo bác sĩ của Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp và đái tháo đường thường song hành cùng nhau vì chúng có cùng các yếu tố nguy cơ như thừa cân - béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều muối đường hoặc lười vận động. Tăng huyết áp là một yếu tố làm tăng độ nặng của đái tháo đường và ngược lại, đái tháo đường cũng làm cho tăng huyết áp trở nên khó điều trị hơn.
Do đó, việc kiểm soát huyết áp ổn định sẽ giúp giảm các nguy cơ nói trên và là một mục tiêu quan trọng trong điều trị cho người bệnh đái tháo đường có tăng huyết áp (song song với điều chỉnh đường huyết tích cực và làm giảm cholesterol máu).
Để kiểm soát huyết áp ở người bệnh đái tháo đường, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, người bệnh cần phải thay đổi lối sống, kết hợp chế độ ăn phù hợp. Để dự phòng tăng huyết áp hiệu quả, chế độ ăn cần phải giảm lượng muối natri (dưới 2,3 gram/ngày), ăn nhiều trái cây, rau quả, sử dụng các sản phẩm sữa ít chất béo, tránh uống rượu và tăng cường hoạt động thể lực.
Tóm lại: Tăng huyết áp cấp cứu là tăng huyết áp nghiêm trọng có kèm theo tổn thương cơ quan đích mới xuất hiện hoặc nặng hơn. Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân cần nhập viện khoa cấp cứu và điều trị bằng thuốc đường tĩnh mạch. Tổn thương cơ quan đích thường gặp là: Bệnh não tăng huyết áp, xuất huyết nội sọ, đột quỵ do thiếu máu não, nhồi máu cơ tim cấp, suy thất trái cấp tính kèm phù phổi, đau ngực không ổn định, phình tách động mạch chủ, suy thận cấp và sản giật….
Vì vậy, tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng cần được chẩn đoán và hạ áp ngay lập tức. Sử dụng những loại thuốc phù hợp với từng bệnh cảnh lâm sàng cụ thể, theo sự chỉ định của bác sĩ nhằm giảm tối thiểu các biến chứng nặng, và đe dọa.
Qua trường hợp trên các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo: Nếu huyết áp của bệnh nhân > 180/120mmHg và có các triệu chứng liên quan đến tổn thương cơ quan đích như tê bì/yếu liệt chi, suy giảm ý thức, nói khó, đau ngực, khó thở, đau lưng, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, đó được coi là tình trạng tăng huyết áp cấp cứu. Lúc này, cần gọi cấp cứu ngay để bệnh nhân nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời, tránh tổn thương các cơ quan nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Khi được điều trị nhanh và đúng cách, bệnh nhân sẽ có tiên lượng tốt.
Theo suckhoedoisong.vn