Đối với các bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi... có thể chỉ cần dùng đến các loại thuốc OTC (thuốc không cần bác sĩ kê đơn). Mặc dù nói chung là an toàn và hiệu quả khi được sử dụng theo chỉ dẫn, nhưng các thuốc này cũng có thể gây bất lợi cho người dùng, nhất là sự tương tác bất lợi của thuốc khi dùng từ hai thuốc trở lên. Bên cạnh đó, thuốc OTC cũng có thể tương tác bất lợi với thuốc kê đơn (bác sĩ kê để điều trị bệnh sẵn có ở người bệnh).
Hiểu biết về các mối quan tâm tương tác thuốc phổ biến là rất quan trọng để đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn và mang lại hiệu quả điều trị.
1. Thuốc giảm đau, hạ sốt paracetamol
Đối với paracetamol cần lưu ý tới nguy cơ ngộ độc gan khi dùng thuốc. Nguy cơ này tăng lên khi dùng paracetamol cùng với rượu, thuốc kháng sinh rifampin, thuốc điều trị lao phổi isoniazid, thuốc kiểm soát cơn co giật như carbamazepine, phenytoin, phenobarbital... Các chất này sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển hóa thuốc, có thể dẫn đến sự hình thành nhiều hơn chất chuyển hóa độc với gan, làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan.
Ngoài ra, sử dụng paracetamol lâu dài có thể làm tăng tỷ lệ nguy cơ chảy máu ở bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu warfarin.
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng phổ biến để giảm đau và hạ sốt trong nhiều tình trạng khác nhau như đau đầu, viêm khớp, cảm cúm.
Kết hợp NSAID với rượu, thuốc chống đông máu, hoặc các thuốc chống kết tập tiểu cầu khác có thể làm tăng nguy cơ chảy máu của bệnh nhân.
NSAID cũng có thể tăng cường tác dụng gây độc cho thận hoặc tăng kali huyết của các thuốc khác có nguy cơ tương tự, như thuốc điều trị huyết áp ức chế men chuyển (ACE), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc ức chế miễn dịch cyclosporin, thuốc chống thải ghép tacrolimus, thuốc ngừa thai drospirenone và các chất bổ sung kali.
Do NSAID được phát hiện làm tăng nồng độ methotrexate, nên tránh dùng chung với thuốc ức chế miễn dịch methotrexate IV liều cao và thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân dùng liều methotrexate thấp hơn cho các rối loạn thấp khớp.
Ngoài những cân nhắc về thuốc, NSAID cũng có tương tác giữa thuốc và bệnh. Ví dụ, chúng có thể làm tăng huyết áp, do đó làm giảm hiệu quả của thuốc hạ huyết áp.
Việc sử dụng cả paracetamol và NSAID trước hoặc tại thời điểm tiêm chủng có liên quan đến việc giảm đáp ứng kháng thể. Mặc dù các thuốc này vẫn được khuyến cáo để điều trị các tác dụng phụ nhỏ như đau cánh tay và sốt sau khi chủng ngừa, nhưng nên tránh sử dụng dự phòng.
3. Thuốc thông mũi
Thuốc thông mũi làm co mạch, giảm sưng mũi do nghẹt mũi... nhưng cũng có thể làm tăng huyết áp. Do đó, việc sử dụng thuốc thông mũi kết hợp với các thuốc khác có tác dụng tương tự có thể dẫn đến co mạch quá mức hoặc tăng huyết áp.
Người bệnh tăng huyết áp cần thận trọng khi dùng thuốc thông mũi.
Vì lý do này, bệnh nhân dùng các dẫn xuất ergot để điều trị đau nửa đầu, bốc hoả; thuốc chống trầm cảm... không nên dùng cùng thuốc thông mũi.
Thuốc thông mũi có thể được dùng bằng đường uống hoặc đường mũi, nguy cơ xảy ra các phản ứng phụ toàn thân và tương tác thuốc khi bệnh nhân dùng bằng đường uống cao hơn.
4. Kháng viêm steroid
Tương tác chính cần quan tâm đối với steroid đường mũi là sử dụng kết hợp với các chất ức chế CYP3A4 mạnh như: Chất ức chế protease chống HIV, cobicistat, thuốc kháng nấm azole, hoặc clarithromycin.
Các chất ức chế CYP3A4 mạnh có thể làm tăng nồng độ steroid và nguy cơ mắc các tác dụng phụ liên quan, bao gồm cả ức chế tuyến thượng thận.
Ngoài ra, trên thông tin thuốc chống trầm cảm esketamine cũng khuyến cáo rằng nên sử dụng steroid đường mũi ít nhất 1 giờ trước khi dùng esketamine.
5. Các thuốc trị ho và cảm lạnh
Thuốc ức chế ho dextromethorphan làm suy giảm khả năng tái hấp thu serotonin, làm tăng nguy cơ mắc hội chứng serotonin, đặc biệt khi dùng chung với các loại thuốc có tác dụng tương tự trên con đường serotonin.
Do đó, không nên dùng dextromethorphan cùng với thuốc chống trầm cảm MAOI và nên sử dụng thận trọng với các thuốc giảm đau opioid (fentanyl, tramadol, meperidine).
Dextromethorphan cũng là chất nền CYP2D6, vì vậy các chất ức chế CYP2D6 (ví dụ: Bupropion, quinidine, thioridazine) có thể làm tăng nồng độ và độc tính của dextromethorphan. Các thuốc chống trầm cảm như fluoxetine, paroxetine, duloxetine... có thể gây ra rủi ro lớn nhất.
Nhiều sản phẩm trị ho và cảm lạnh dạng siro có chứa cồn, có thể gây ra những lo ngại về tương tác thuốc. Ngay cả với một lượng nhỏ, các sản phẩm có chứa cồn cũng có thể gây suy nhược hệ thần kinh trung ương nếu được sử dụng với các loại thuốc khác có tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
Ngoài ra, các sản phẩm chứa cồn có thể tương tác với thuốc cai nghiện rượu disulfiram và các thuốc khác có thể gây ra phản ứng giống disulfiram (ví dụ: Metronidazole, secnidazole), gây buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, đỏ bừng và chóng mặt.
Theo suckhoedoisong.vn