Gần đây, mạng xã hội lan truyền nhiều hướng dẫn không rõ nguồn gốc về phác đồ tự chữa Covid-19 tại nhà. Các hình ảnh hướng dẫn chi tiết loại và liều uống một số thuốc trước tiêm vaccine Covid-19 hoặc thổi phồng tác dụng của một số dược phẩm.
Theo bác sĩ Lưu Quang Minh, khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người dân không nên tin và làm theo các phác đồ giả mạo, chưa kiểm chứng này.
Dễ ngộ độc, thậm chí tử vong vì bài thuốc chữa Covid-19 bằng paracetamol
Bài thuốc xuất hiện trên mạng dưới dạng Đông - Tây y kết hợp, với công dụng chữa khỏi Covid-19 sử dụng paracetamol và xông 7 ngày liên tục.
Bác sĩ Lưu Quang Minh nhận định: “Thoạt nhìn, có vẻ tác giả đang cố gắng phân loại triệu chứng và đưa ra phác đồ điều trị chi tiết theo hướng nặng dần qua từng ngày. Tuy nhiên, nhiều điểm bất cập và nguy hại trong những phác đồ điều trị như vậy”.
Bài thuốc Đông - Tây y kết hợp được cho là chữa Covid-19 đang lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Paracetamol là thuốc không kê đơn, người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt với các nguyên nhân thông thường. Thuốc này được bán với dạng phổ biến nhất là viên nén 500 mg.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản cập nhật lần thứ 6 của Bộ Y tế, trong phác đồ điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, người bệnh cần được hạ sốt nếu sốt cao.
Họ có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 g/ngày với người lớn. Giảm ho bằng các thuốc ho thông thường nếu cần thiết.
Ngoài ra, người bệnh cần uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải; dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết.
Do đó, việc dùng 6 viên paracetamol (3 gram) mỗi ngày liên tục trong 7 ngày rất dễ gây quá liều, ngộ độc, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, bác sĩ Minh khẳng định văn phong trong bài thuốc này không phù hợp với phát ngôn của bất kỳ chuyên gia y tế nào (ví dụ thuật ngữ “phổi yếu”).
"Những kiến thức trên có vẻ giống được thu lượm trên các trang mạng không chính thống, sau đó tập hợp một cách hổ lốn", vị chuyên gia cảnh báo.
Hướng dẫn sử dụng nhiều loại thuốc nguy hiểm
Việc tiêm vaccine Covid-19 được chứng minh đem lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng. Tuy nhiên, lợi dụng tinh thần bất an, tâm lý lo lắng của nhân dân về các tác dụng phụ của vaccine, mạng xã hội cũng xuất hiện một bản hướng dẫn tiêm vaccine và thuốc tự điều trị Covid-19 lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Trong bản hướng dẫn này, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy điểm bất hợp lý khi đưa nước ép trái cây vào danh mục y tế thiết yếu.
Bác sĩ Minh nói: "Đáng chú ý, 'tác giả' có sự đầu tư chủ động về mặt hình ảnh, cố gắng làm một bản hướng dẫn thật chuyên nghiệp nhằm gây ấn tượng với người đọc. Đặc biệt, việc khuyến khích dùng Telfast (một thuốc chống dị ứng) trước tiêm vaccine là điều hoàn toàn sai lầm".
Nhiều loại thuốc nguy hiểm xuất hiện trong hướng dẫn sử dụng thuốc, vật dụng khi chữa Covid-19, tiêm vaccine. Ảnh chụp màn hình.
Thực tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo không nên uống thuốc chống dị ứng (hoặc thuốc hạ sốt) trước khi tiêm vaccine Covid-19. Nguyên nhân là nó có thể làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể với vaccine.
Chúng ta chỉ nên dùng thuốc chống dị ứng sau khi tiêm nếu có biểu hiện dị ứng, hoặc trước tiêm nếu có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, việc chủ động tích trữ Dexamethasone hay Xarelto là không cần thiết.
Dexamethasone có tác dụng chống viêm mạnh, ức chế miễn dịch ở liều cao, thường bị pha trộn vào thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để chữa bệnh cơ xương khớp. Trong khi đó, Xarelto là thuốc chống đông máu, không cần thiết, có nhiều tác dụng phụ. Hai loại này đều có thể gây nguy hiểm nếu tự ý sử dụng. Vì vậy, người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khi dùng các loại thuốc này.
Bác sĩ Lưu Quang Minh nhấn mạnh việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, Covid-19 nói riêng, cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế. Người dân tự tìm hiểu các thông tin, kiến thức liên quan bệnh rất đáng khuyến khích, tuy nhiên, chúng ta không nên tùy tiện áp dụng.
Người dân nên tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế hoặc liên hệ bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu thông tin trước khi sử dụng.
Theo Zing