Vợ chồng nhà sáng lập BioNTech: Bà Oezlem Tuereci và ông Ugur Sahin. Ảnh: BioNTech.

Hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) công bố kết quả hôm 9/11, về vaccine Covid-19 do họ sản xuất đạt hiệu quả phòng ngừa trên 90% số người tham gia thử nghiệm. Tác dụng được xác nhận chỉ 7 ngày sau mũi tiêm thứ hai. Hãng dược Pfizer đang lên kế hoạch xin Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng vaccine khẩn cấp ngay khi dữ liệu được thu thập đầy đủ vào tuần thứ ba của tháng 11.

"Hơn 90% là một con số phi thường", Giám đốc điều hành BioNTech, Ugur Sahin, cho biết. "Đại dịch Covid-19 có thể được kiểm soát. Đây là một chiến thắng của giới khoa học".

Loại vaccine của Pfizer và đối tác BioNTech được xem là mở ra bước đột phá trong nỗ lực chiến thắng đại dịch. Nhờ thông tin tích cực về hiệu quả của vaccine Covid-19, cổ phiếu của hãng công nghệ sinh học BioNTech được niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) tăng vọt, giúp vợ chồng nhà sáng lập, ông Ugur Sahin, 55 tuổi và bà Oezlem Tuereci, 53 tuổi, lọt danh sách 100 người giàu nhất nước Đức. Hiện tài sản của cặp vợ chồng này đạt mốc 21 tỷ USD, tăng gần 5 lần so với mốc 4,6 tỷ USD một năm trước.

Ông Ugur Sahin, Giám đốc điều hành BioNTech, có xuất thân khiêm tốn. Ông sinh tại Thổ Nhĩ Kỳ trong một gia đình lao động và cùng cha mẹ đến Cologne, Đức, khi mới 4 tuổi. Sahin theo đuổi ước mơ y khoa ngay từ thời thơ ấu và luôn mong muốn trở thành một bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp y khoa tại Đại học Cologne, Sahin làm việc tại Bệnh viên Cologne. Tại đây, ông gặp bà Oezlem Tuereci, người vợ hiện tại và cũng là nhà đồng sáng lập BioNTech.

Bà Tuereci là con gái của một bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư đến Đức. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông nhiều năm trước, bà Tuereci cho biết vợ chồng bà miệt mài trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu các loại thuốc điều trị bệnh ung thư, ngay cả trong ngày cưới.

Vợ chồng nhà nghiên cứu Oezlem Tuereci, Ugur Sahin tại nơi làm việc. Ảnh: BioNTech.

Năm 2001, vợ chồng ông Sahin thành lập Ganymed Pharmaceuticals để phát triển các kháng thể chống ung thư. Ông Sahin lúc đó là giáo sư Đại học Mainz, dù thành lập công ty riêng nhưng vẫn không từ bỏ công việc nghiên cứu và giảng dạy. Ganymed Pharmaceuticals đã được bán cho Astellas của Nhật Bản vào năm 2016, với giá 1,4 tỷ USD.

BioNTech được vợ chồng ông Ugur Sahin thành lập vào năm 2008, theo đuổi một loạt loại thuốc và phương pháp điều trị ung thư. Hiện BioNTech có 1.323 nhân viên và là một trong những hãng nghiên cứu dược phẩm nổi tiếng thế giới.

Matthias Kromayer, thành viên hội đồng quản trị của quỹ đầu tư mạo hiểm MIG AG, đơn vị đầu tư vào BioNTech nói về nhà nghiên cứu tài ba Sahin: "Bất chấp những thành tựu của mình, anh ấy không bao giờ thay đổi, vẫn luôn là người cực kỳ khiêm tốn và dễ thương. Sahin thường đến các cuộc họp kinh doanh với quần jean, chiếc ba lô và mũ bảo hiểm đi xe đạp đặc trưng của mình".

Đối với Kromayer, vợ chồng ông Sahin và bà Tuereci là một "đội hình trong mơ" ở chỗ họ đã dung hòa tầm nhìn của mình với những ràng buộc của thực tế. Chính sự dung hòa này đã mang đến thành công cho họ, dù ở cương vị là nhà nghiên cứu hay doanh nhân.

Theo ngoisao