Hoa cát cánh
Cát cánh còn có tên khác là bạch dược, kết cánh, cánh thảo, là rễ phơi khô của cây cát cánh (Platycodon grandiforum A. DC.), thuộc họ hoa chuông (Campanunaceae). Cát cánh vị đắng cay, tính hơi ôn; vào kinh phế. Có tác dụng tuyên phế, khứ đàm, lợi yết, bài nùng, khai thông phế khí. Chữa chứng ho nhiều đờm, họng đau nói khàn, áp-xe phổi, viêm họng sưng đau, lỵ, tiểu tiện không lợi.
Một số bài thuốc chữa bệnh có vị cát cánh:
Trừ đờm, chữa ho:
Bài 1: cát cánh 8g, tỳ bà diệp (lá nhót tây) 12g, lá dâu 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Mỗi ngày uống 1 thang, uống liền 2 - 4 ngày. Chữa ho do nóng, đờm dính quánh.
Bài 2: cát cánh 8g, hạnh nhân 12g, tía tô 12g, bạc hà 4g. Sắc uống. Uống liền trong 2 - 4 ngày. Chữa ho do lạnh, đờm loãng.
Bài 3: cát cánh 6g, trần bì 6g, bán hạ chế 6g, mạch môn sao 6g, ngưu tất 6g, ngũ vị tử 6g, tiền hồ 6g, ma hoàng 6g. Sắc uống. Chữa ho suyễn nhiều đờm
Bài 4: Thang cát cánh: cát cánh 8g, cam thảo 4g. Sắc uống hoặc tán thành bột uống. Chữa họng sưng đau. Ở liều cao hơn gấp 3 - 5 lần dùng chữa phế ung (áp-xe phổi).
Bài 5: cát cánh 8g, kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, cam thảo sống 4g. Sắc uống. Chữa viêm amidan.
Chữa viêm phổi, đau tức ngực, ho thổ ra đờm
Bài 1: cát cánh 4g, cam thảo sống 4g, rau diếp cá 8g, bối mẫu 8g, nhân ý dĩ 20g, nhân hạt bí trắng 24g, rễ cỏ tranh 63g, dây kim ngân 12g. Sắc uống.
Bài 2: cát cánh 10g, trần bì 10g, hương phụ 10g, đương quy 15g, mộc hương 5g. Sắc uống. Trị đau tức ngực do chấn thương lâu ngày.
Chữa cam răng, miệng hôi: cát cánh, hồi hương liều lượng bằng nhau, tán bột, chấm bột vào nơi răng bị cam đã rửa sạch.
Kiêng kỵ: Người âm hư, ho lâu ngày và có chiều hướng ho ra máu đều không nên uống.
Theo suckhoedoisong