Dây chằng chéo sau nằm ở phía sau đầu gối, ở vị trí trung tâm của khớp gối, nối liền giữa xương đùi và xương chày.
Dây chằng chéo sau có kích thước lớn và mạnh hơn so với dây chằng chéo trước, các chức năng chính của dây chằng chéo sau bao gồm:
- Giữ cho khớp gối ổn định bằng cách phối hợp với các dây chằng khác.
- Ngăn chặn mâm chày lệch ra sau.
- Đảm bảo tính ổn định của khớp gối trong các hoạt động thể chất và sinh hoạt hàng ngày.
1. Đông y có chữa được chấn thương dây chằng chéo sau?
Các tổn thương liên quan đến dây chằng chéo sau có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Trong đó, tổn thương cấp tính là do chấn thương xuất hiện một cách đột ngột. Ngược lại, các tổn thương mạn tính có liên quan đến chấn thương dây chằng chéo sau phát triển theo thời gian.
Do đó khi bị chấn thương dây chằng chéo sau hầu hết chữa trị bằng tây y. Tuy nhiên những trường hợp chấn thương nhẹ, có thể tự khỏi thì có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian để hạn chế đau đớn.
Chữa bằng ngải cứu. Lá ngải cứu tươi, rửa sạch để ráo nước, sau đó cho ngải cứu vào cối giã nhuyễn rồi trộn với một ít giấm. Sau đó người bệnh đắp hỗn hợp lên vùng bị đau trong khoảng 20 phút.
Chữa bằng xương rồng. Xương rồng, cắt bỏ gai, rửa sạch rồi cho vào cối giã nhuyễn. Sau đó, người bệnh cho tất cả vào nồi đun ấm với một chút muối biển. Tiếp theo, cho hỗn hợp còn nóng vào túi vải chườm lên vùng đầu gối bị đau trong 15 phút, ngày 2 đến 3 lần.
2. Xử trí chấn thương dây chằng chéo sau
Khi bị chấn thương dây chằng chéo sau, các bác sĩ thường áp dụng:
- Phương pháp điều trị không cần phẫu thuật phổ biến là RICE (R - Rest: nghỉ ngơi, I - Ice: chườm đá lạnh, C - Compression: băng gối, E - Elevation: kê chân cao) có thể hỗ trợ trong việc phục hồi chấn thương khớp từ nhẹ đến trung bình.
- Bài tập phục hồi chức năng. Quá trình phục hồi sau chấn thương dây chằng vô cùng quan trọng. Lợi ích của các bài tập này là cải thiện cấu trúc ổ khớp, tăng tính linh hoạt, phục hồi chức năng vận động, cải thiện triệu chứng.
Phương pháp phẫu thuật được chỉ định nếu đứt hoàn toàn dây chằng, lỏng khớp gối, chấn thương liên quan đến các dây chằng khác. Lúc này, bác sĩ có thể gắn dây chằng, cố định xương trở lại vị trí với dây chằng phương pháp bằng bắt vít.
Nếu không được chăm sóc đúng cách, người bệnh có thể mất rất nhiều thời gian hồi phục, dễ gặp những biến chứng đi kèm như teo cơ, lỏng gối, thậm chí là đứt dây chằng tái phát.
3. Xử trí chấn thương dây chằng chéo sau tại nhà
Chế độ ăn uống
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và đủ dưỡng chất. Người bệnh nên bổ sung nhiều vitamin (C, E, D), chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, protein, canxi. Đây là các chất giúp tăng cường chức năng, độ chắc khỏe và dẻo dai cho xương khớp, dây chằng và cơ.
Hạn chế các loại thực phẩm và thức uống có khả năng tạo phản ứng viêm, sưng đau, cản trở quá trình phục hồi của dây chằng như rượu, bia, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng, thực phẩm chế biến nhiều giàu mỡ…
Massage và vật lý trị liệu
Lực tác động từ bàn tay và các ngón tay có khả năng kích thích những mạch máu và mô mềm, cải thiện quá trình lưu thông máu, thư giãn cơ và dây chằng. Ngoài ra, massage còn giúp giảm căng cứng, tê buốt, làm tan máu bầm, cải thiện khả năng vận động. Những bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh đầu gối, cải thiện tính linh hoạt.
Chườm đá: Chườm túi nước đá vào đầu gối 2 giờ một lần, mỗi lần 20 – 30 phút.
Nâng đầu gối cao hơn đầu: Khi nằm xuống, bệnh nhân hãy đặt một chiếc gối dưới đầu gối chấn thương để giúp giảm sưng.
Tái khám định kỳ: Sự tư vấn của bác sĩ trong từng giai đoạn phục hồi sẽ giúp người bệnh nhận biết những triệu chứng hay dấu hiệu bất thường trong quá trình phục hồi, nắm rõ tình trạng phục hồi hiện tại.
4. Chấn thương dây chằng chéo có tự lành được không?
Nếu các trường hợp chấn thương dây chằng chéo sau ở mức độ vừa phải và không kèm theo các tổn thương khác thì có thể tự lành nếu bệnh nhân áp dụng tập luyện các bài tập thích hợp.
Thông thường các trường hợp đứt dây chằng chéo sau kèm tổn thương rách sụn chêm hay chấn thương ở bệnh nhân trẻ, vận động viên chuyên nghiệp sẽ được chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau.
5. Bị đứt dây chằng chéo sau bao lâu thì lành?
Đối với các trường hợp không phẫu thuật, sau khoảng 3 tháng dây chằng bị đứt sẽ liền lại. Tuy nhiên, độ căng của dây chằng không còn như lúc đầu vì tổn thương chỉ được chữa lành bằng các mô xơ. Do đó, chức năng của dây chằng chéo sau cũng bị ảnh hưởng.
Còn đối với các trường hợp buộc phải phẫu thuật, nếu bệnh nhân tuân thủ luyện tập các bài tập phục hồi chức năng thì có thể phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật từ 6-8 tháng.
Đứt dây chằng chéo sau ở mức độ nhẹ có thể tự lành bằng việc thực hiện các bài tập phục hồi trong khoảng 3 tháng. Nếu như phải phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải trải qua quá trình điều trị kéo dài từ 6-8 tháng.
6. Chi phí điều trị chấn thương dây chằng chéo sau
Để có phương pháp điều trị chính xác, bệnh nhân cần phải khám và chỉ định chụp MRI khớp gối để bác sĩ xác định chính xác mức độ tổn thương.
Chi phí mổ đứt dây chằng chéo sau sẽ tùy thuộc vào cơ sở y tế, dịch vụ, trang thiết bị…. Thông thường, chi phí mổ đứt dây chằng chéo sau sẽ rơi vào khoảng 30 đến 70 triệu đồng (tùy vào các dịch vụ y tế người bệnh lựa chọn) Trong đó, chi phí bao gồm chụp MRI, X-quang, khám, thuốc, nằm viện và phẫu thuật.
Với bệnh nhân được phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo sau, thông thường sau mổ khoảng 03 tháng người bệnh có thể trở lại hoạt động nhẹ nhàng, sau 1 năm bạn có thể quay trở lại hoạt động thể thao được.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp tổn thương dây chằng chéo sau đều có chỉ định mổ, vì thế bạn cần đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và tư vấn.
Theo suckhoedoisong.vn