1. Đông y có chữa được ngừng thở khi ngủ?
Ngừng thở khi ngủ là tình trạng luồng khí hít vào bị gián đoạn tạm thời hơn 10 giây, lặp đi lặp lại khi ngủ do tắc nghẽn đường thở hay do tổn thương thần kinh trung ương nên Đông y không thể chữa khỏi.
Tuy vậy, các phương pháp Đông y có thể hỗ trợ điều trị người bệnh nhanh chóng phục hồi và giảm các triệu chứng của bệnh.
2. Cách xử trí khi gặp ngừng thở khi ngủ
Hội chứng ngừng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp có liên quan đến giấc ngủ. Biểu hiện lâm sàng là những cơn ngừng thở khi ngủ trong thời gian từ 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, sau đó động tác hô hấp hoạt động trở lại thường phối hợp với sự thức dậy ngắn.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tai biến mạch máu não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm trí nhớ, mất tập trung... Vì vậy, khi có biểu hiện cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Tùy theo nguyên nhân của hội chứng ngưng thở khi ngủ mà có biện pháp điều trị thích hợp. Hiện nay, cách chẩn đoán là dùng máy đa ký giấc ngủ để ghi lại toàn bộ những dấu hiệu bất thường trong giấc ngủ. Qua đó các bác sĩ đưa ra chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Cách chăm sóc ngừng thở khi ngủ tại nhà
Trong nhiều trường hợp, tự chăm sóc có thể là cách thích hợp nhất giúp bạn đối phó với chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và có thể là cả ngưng thở trung tâm. Hãy thử những lời khuyên sau:
- Giảm cân: Chỉ cần giảm cân một chút có thể giúp bạn giảm sự co thắt của cổ họng. Ngưng thở khi ngủ có thể thuyên giảm hoàn toàn trong một số trường hợp nếu bạn trở lại được về cân nặng bình thường, nhưng có thể tái phát trở lại nếu bạn lại tăng cân.
- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm bớt triệu chứng ngưng thở khi ngủ, thậm chí không cần giảm cân. Cách tốt nhất là tập thể dục với cường độ trung bình, ví dụ như đi bộ nhanh 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày một tuần.
- Tránh uống rượu và sử dụng các thuốc an thần hoặc thuốc ngủ: Những thuốc này làm các cơ cổ họng bị thả lỏng hơn, gây trở ngại cho việc hít thở.
- Nằm nghiêng về 1 phía hoặc nằm sấp hơn là nằm ngửa: Nằm ngửa dễ làm cho lưỡi và vòm miệng của bạn tụt về phía cổ họng và làm nghẽn đường thở. Một mẹo mà bạn có thể thử để hạn chế việc nằm ngửa đó là đặt một cái gối hoặc một quả bóng tennis ở sau lưng.
- Giữ đường thở ở mũi của bạn thông thoáng: Sử dụng nước xịt mũi bằng nước muối để giữ cho đường mũi của bạn thông thoáng. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc sử dụng bất kỳ thuốc thông mũi hoặc kháng Histamine, vì những loại thuốc này thường chỉ được khuyến cáo sử dụng ngắn hạn.
- Ngừng hút thuốc lá: Nếu bạn là người nghiện thuốc thì hút thuốc sẽ làm trầm trọng hơn sự ngưng thở tắc nghẽn.
4. Ngừng thở khi ngủ có chữa khỏi không?
Việc điều trị chứng ngừng thở khi ngủ dựa trên nguyên tắc giữ cho đường thở mở trong khi ngủ. Một số phương pháp được áp dụng là áp suất đường thở dương liên tục (CPAP), thở áp lực dương (BPAP), hỗ trợ thông khí (ASV), bổ sung oxy và sử dụng thuốc.
Trong một số trường hợp tắc nghẽn do cấu trúc hàm, mũi hoặc cổ họng, có thể được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ vật cản và mở rộng đường dẫn khí.
5. Lưu ý với người cao tuổi, tiểu đường, cao huyết áp… khi mắc ngừng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra với tất cả mọi người, kể cả trẻ em, nhưng phổ biến hơn ở tuổi trung niên trở lên, nam nhiều hơn nữ. Một số đối tượng phổ biến của chứng ngưng thở khi ngủ là:
- Nam giới.
- Phụ nữ tiền mãn kinh.
- Người thừa cân béo phì.
- Người trên 40 tuổi.
- Người có kích thước cổ lớn (chu vi vòng cổ lớn hơn 43 cm đối với nam và lớn hơn 38 cm với phụ nữ).
- Người có cấu trúc bất thường về đường hô hấp trên như: Amidan lớn, lưỡi lớn, xương hàm nhỏ, xương hàm ra sau, tắc nghẽn mũi.
- Người bị các vấn đề về xoang mũi.
- Người nghiện thuốc lá và rượu.
- Sử dụng thuốc an thần hoặc chất gây nghiện.
- Người có tiền sử gia đình, đặc biệt là cha mẹ, anh chị em bị chứng ngưng thở khi ngủ.
- Người đang bị các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, nhược giáp, bệnh tim mạch…
Trong đó, tình trạng ngưng thở khi ngủ xảy ra ở trẻ em thường liên quan đến các vấn đề về tai - mũi - họng và thừa cân béo phì.
Hãy đến cơ sở y tế để khám ngay nếu thấy hoặc người ở cùng phát hiện ra những dấu hiệu sau:
- Ngáy to đến mức làm người khác mất ngủ.
- Khó thở hoặc thở gấp vì thiếu không khí hoặc thở gấp vì ngạt khiến bạn tỉnh giấc trong lúc ngủ.
- Có những đoạn ngừng thở trong lúc ngủ.
- Cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ cả ngày, ngủ gật khi đang làm việc, đang xem tivi hoặc khi đang lái xe.
Nhiều người không nghĩ rằng ngáy là một dấu hiệu nghiêm trọng và không phải tất cả những người ngừng thở khi ngủ đều ngáy nhưng nếu bạn ngáy to, đặc biệt là ngáy mà ngắt quãng với những đoạn hoàn toàn im lặng thì bạn nên trao đổi với bác sĩ. Hãy nói với bác sĩ về tất cả những vấn đề của giấc ngủ khiến bạn mệt mỏi, khó chịu và lúc nào cũng lơ mơ, buồn ngủ. Tình trạng buồn ngủ quá mức trong ngày rất có thể bắt nguồn từ việc ngừng thở khi ngủ hoặc những rối loạn giấc ngủ khác.
6. Chi phí khám chữa bệnh ngừng thở khi ngủ
Tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các nội dung cần tầm soát, bao gồm: Khám với bác sĩ chuyên khoa, khám nội soi Tai Mũi Họng và đo đa ký giấc ngủ.
Trong điều kiện lý tưởng tốt nhất là thực hiện đa ký giấc ngủ hay còn gọi là đo đa chức năng khi ngủ (Polysomnography) gồm đo đa kênh liên tục trong 1 đêm:
- Điện não đồ (EEG).
- Điện cơ kí (EMG).
- Điện động mắt (EOG).
- Điện tâm đồ (ECG).
- Đo nồng độ O2 bão hòa trong máu (SPO2).
- Đo lưu lượng khí thở qua mũi, miệng.
- Đo đánh giá thở gắng sức thông qua chuyển động của ngực, bụng.
- Đo áp lực không khí thở qua mũi.
- Đo cường độ âm ngáy…
- Đa ký giấc ngủ là test đầy đủ chi tiết cho phép đánh giá chính xác chi tiết nguyên nhân, mức độ của ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ cùng những rối loạn giấc ngủ kèm theo.
Nếu ở mức độ trung bình hoặc nặng, người bệnh cần phải được điều trị bằng máy thở áp lực dương, còn gọi là máy CPAP. Máy CPAP tạo ra dòng không khí có áp lực dương giúp đường hô hấp không bị tắc nghẽn.
Nếu không sử dụng được máy thở CPAP người bệnh sẽ được xem xét về phương pháp phẫu thuật. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân, tùy loại phẫu thuật bệnh nhân có thể nằm viện 1 - 5 ngày.
Chi phí khám dao động từ 700.000 đồng đến 3.500.000 đồng, chi phí không bao gồm các yêu cầu thăm khám hoặc các xét nghiệm bổ sung khác.
Theo suckhoedoisong.vn