1. Đông y có chữa được ung thư xương không?

Theo y học hiện đại, người mắc ung thư xương sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Không thể sử dụng đông y để điều trị ung thư xương. 

Trong một số trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng đông y để bổ trợ sức khỏe cho người bệnh ung thư. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

2. Ung thư xương sống được bao lâu?

Người ung thư xương sống được bao lâu? Thống kê về tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư xương cho thấy:

  • Giai đoạn I: 80%;
  • Giai đoạn II: 70%;
  • Giai đoạn III: 60%;
  • Giai đoạn IV: 20 – 50%.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc ung thư xương tử vong đã giảm. Trước đây tỷ lệ ung thư xương phải cắt cụt chi rất cao. Vì vậy sau khi chữa bệnh, bệnh nhân quay lại với cuộc sống bình thường gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên hiện nay, các biện pháp kỹ thuật ngày càng hiện đại mang đến niềm hy vọng cho người bệnh ung thư xương, hướng bảo tồn chi cho các bệnh nhân và trước mắt đã đạt được những thành tích tốt. Do đó, bệnh nhân không nên quá bi quan nếu được chẩn đoán ung thư xương.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư xương- Ảnh 1.

BSCKII Hoàng Tuấn Anh - Trưởng Khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện K.

3. Ung thư xương có nguy hiểm không?

Ung thư xương được biết đến là căn bệnh có tốc độ di căn rất nhanh. So với các loại ung thư khác thì ung thư xương có tốc độ di căn gấp 3 – 4 lần. Ung thư xương phát triển liên tục, xâm lấn tiêu diệt các cơ quan xung quanh và làm ảnh hưởng đến quá trình sinh máu của tủy thậm chí có thể di căn đi cư trú ở rất xa.

Năm 2020, ca bệnh thay toàn bộ xương đùi cho một bệnh nhân ung thư xương lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam đánh dấu bước tiến mới trong kỹ thuật điều trị ung thư xương tại nước ta. 

Việc đưa những kỹ thuật mới để bảo tồn chi cho người bệnh, không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của người bệnh về mặt thẩm mỹ, chức năng mà còn đáp ứng được về mặt bệnh học, giữ được tính mạng cho bệnh nhân. 

Hiện tại, có rất nhiều trường hợp ung thư xương được thay thế hoàn toàn xương, bảo tồn chi thể. Đa phần các trường hợp này tỷ lệ tái phát gần như bằng 0.

4. Ung thư xương có chữa khỏi được không?

Việc chữa khỏi ung thư xương hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại ung thư xương mắc phải, mức độ lan rộng, giai đoạn bệnh, khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân…

Trước đây, với những bệnh nhân ung thư xương thường có chỉ định cắt cụt chi hoặc tháo khớp để loại bỏ khối u và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những năm gần đây với các kỹ thuật tiên tiến, bệnh nhân ung thư xương có thể được chỉ định phẫu thuật bảo tồn chi mà vẫn loại bỏ được khối u.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư xương- Ảnh 2.
Một bệnh nhân ung thư xương thay toàn bộ khớp gối đã quay trở lại cuộc sống bình thường.

Khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được lấy hết phần tổn thương ung thư và lấy rộng tổ chức cân cơ bị ung thư xâm lấn. Hiện nay, có thể tái tạo hoặc thay thế phần xương đã bị cắt bỏ, đôi khi cần phải cắt cụt chi trong trường hợp không thể bảo tồn.

5. Chẩn đoán ung thư xương bằng cách nào?

Khi có dấu hiệu nghi ngờ, các bác sĩ sẽ sử dụng một số phương pháp để chẩn đoán ung thư xương như:

  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp xạ hình xương, chụp PET CT…
  • Sinh thiết là cách duy nhất để biết một khối u có phải là ung thư xương hay không
  • Một số phương pháp khác: siêu âm ổ bụng, chụp X-quang phổi.

6. Ung thư xương khám ở đâu?

Bạn có thể khám tầm soát ung thư xương tại Khoa Ngoại cơ xương khớp (Bệnh viện K). Địa chỉ: 30 Đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. 

Giá dịch vụ khám bệnh tại Bệnh viện K theo thông tư số 22/2023/TT-BYT áp dụng với bệnh nhân có bảo hiểm y tế là: Chi phí khám bệnh 42.100 đồng; với các ca bệnh cần hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; Chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) là 200.000 đồng.

Theo suckhoedoisong.vn