|
|
Theo nhiều bạn trẻ “vui lên đi” dù được truyền tải với mục đích tốt nhưng không mang lại hiệu quả |
Mong muốn nhận được sự lắng nghe và đồng cảm từ người khác mỗi khi có chuyện buồn
Trong một vài lần chia sẻ những câu chuyện không mấy vui vẻ của mình cho bạn bè, Lê Thị Kiều Na (22 tuổi), ngụ tại số 5 Cù Chính Lan, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng thường nghe: "Vui lên đi, có gì mà buồn!". Kiều Na cho hay: "Mình hiểu và biết ơn vì đối phương đang tìm cách an ủi mình bằng những lời động viên mang tính tích cực nhưng mình không nghĩ "vui lên đi" sẽ thay đổi được tình trạng của mình lúc đó mà chỉ là cách để kìm nén nỗi buồn của chính bản thân. Có lần nghe "vui lên đi" mình còn cảm thấy buồn hơn vì không thể làm chủ cảm xúc cũng như không giải quyết được vấn đề của mình". Hơn hết, điều Na mong muốn nhận được từ người khác là sự lắng nghe và đồng cảm mỗi khi chia sẻ câu chuyện buồn của mình.
Thường nghe những người xung quanh nói mấy câu như "vui lên đi" hay "đừng buồn nữa" khi đang gặp phải một số vấn đề trong cuộc sống, Lê Phan Cát Tiên, sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM bày tỏ: "Những câu nói trên đều mang ý nghĩa động viên và cho thấy người nói quan tâm đến cảm xúc của mình, mong muốn người nghe tích cực hơn khi gặp chuyện buồn. Tuy nhiên nỗi buồn rất khó để vượt qua trong chốc lát", Tiên bộc bạch.
Những lúc như vậy, Cát Tiên cần một người sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của mình. "Mình mong khi chia sẻ vấn đề ra sẽ được đối phương lắng nghe, có thể gợi ý cho mình hướng giải quyết theo chiều hướng tích cực hơn. Và đôi khi chỉ một cái ôm cũng sẽ làm cho tâm trạng của người khác tốt lên rất nhiều", Cát Tiên bày tỏ.
"Có nhiều người thường nói với mình câu nói đó, mặc dù nó không giúp tâm trạng mình khá hơn nhưng mình nghĩ đó là những lời động viên chân thành. Đôi khi cách bày tỏ của họ chưa đúng ý muốn của mình nhưng họ cũng đang cố gắng làm cho mình vui", Trần Thị Thu Thương, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ.
Giúp cảm nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thế Huy, Chi hội trưởng Hội Tâm lý học TP.HCM cho biết: "Có thể nhiều người vẫn nghĩ những cảm xúc như buồn bã, tức giận… là cảm xúc xấu và cần phải được loại bỏ, kìm nén. Vì vậy mà câu nói "vui lên đi" được sử dụng như một lời khuyên dành cho những người đang buồn trở nên phổ biến, tuy nhiên không hiệu quả. Bởi vui hay buồn vốn là những cảm xúc bình thường của mỗi con người. Và việc ai đó cảm thấy buồn bã trước một vài khó khăn hay biến cố trong cuộc sống cũng là điều hoàn toàn bình thường. Mặc khác, nỗi buồn còn giúp mỗi người có thể nhìn nhận lại vấn đề của mình, có động lực để thực hiện những mục tiêu khác trong tương lai tốt hơn".
Theo thạc sĩ Thế Huy, việc cố gắng nâng cảm xúc của một người lên qua câu nói "vui lên đi" chỉ khiến họ càng thêm hoảng loạn và càng cảm thấy bản thân tệ hơn mà thôi. Đôi khi lời khuyên này còn khiến cho chủ thể trải nghiệm nỗi buồn phải cố gắng dồn nén để trở nên vui vẻ, lâu dần sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Việc động viên, an ủi ai đó khi họ gặp chuyện buồn có thể là một việc khó khăn, nhưng nó hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi điều đó có thể giúp họ cảm nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu, đặc biệt là bớt cảm thấy cô hơn khi đang trải nghiệm nỗi buồn.
Để động viên, an ủi người khác, thạc sĩ Thế Huy gợi ý: "Điều đầu tiên cần làm là bên cạnh họ. Bạn có thể chỉ cần ngồi bên cạnh, lắng nghe, vỗ về họ là đủ, lúc này đừng cố gắng tranh cãi nếu họ sai hay bất đồng quan điểm với bạn. Hãy cho họ ăn hoặc uống một món gì đó có vị ngọt, bởi thức ăn hay đồ uống có vị ngọt sẽ giúp cơ thể sản xuất dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng và làm giảm căng thẳng, giúp họ cảm thấy khá hơn".
Theo Thanh niên