Những bất thường ở “vùng kín” của bé trai không phải lúc nào cũng được phát hiện kịp thời. Những thay đổi nhỏ, dù là đau nhức nhẹ hay sưng tấy đều có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bất thường ở tinh hoàn gây hậu quả nghiêm trọng
Bệnh viện Nhi Đồng 2 mới đây đã tiếp nhận bé N.V.L. (13 tháng tuổi, ngụ Tiền Giang) vì mẹ bé không thấy tinh hoàn trong bìu trái của con. Một buổi tối, trong lúc kiểm tra tã cho cháu, bà nội bé giật mình khi sờ thấy bìu trái của bé trống trơn. Bà vội gọi mẹ bé đến xem lại. Người mẹ hoảng hốt nhận ra trong bìu trái của con mình không có tinh hoàn. Ngay khi nhận ra điều này, cả gia đình vô cùng lo lắng.
|
Thời gian vàng để cứu tinh hoàn xoắn là trong vòng 6 giờ đầu - Ảnh minh họa: Internet |
Hôm sau, ba mẹ đã đưa bé đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sau khi kiểm tra, bác sĩ thông báo bé bị tinh hoàn ẩn. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật đưa tinh hoàn của bé về đúng vị trí. Bệnh nhi được phẫu và xuất viện trong ngày. Các lần tái khám sau đó đều ghi nhận tinh hoàn trái nằm đúng vị trí và phát triển bình thường.
Tinh hoàn ẩn là một bệnh lý bẩm sinh phổ biến ở nam giới, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một trong những hậu quả đáng lo ngại nhất của tinh hoàn ẩn là nguy cơ vô sinh cao. Tinh hoàn là cơ quan sản xuất tinh trùng. Tinh hoàn nằm ở vị trí bất thường sẽ khiến quá trình sản xuất tinh trùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Điều này làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên và có thể gây vô sinh.
Ngoài ra, tinh hoàn ẩn còn làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nam giới bị tinh hoàn ẩn có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao gấp nhiều lần so với người bình thường. Đặc biệt, tinh hoàn ẩn trong ổ bụng có nguy cơ ung thư cao hơn so với tinh hoàn ẩn ở vị trí khác.
Không chỉ tinh hoàn ẩn mà bệnh lý xoắn tinh hoàn cũng rất nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng ở bé trai nếu không được can thiệp kịp thời. Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận một bé trai nhập viện do bị xoắn tinh hoàn. Bé P.N.M. (15 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đang tuổi ăn tuổi lớn nên rất năng động, hoạt bát. Cậu bé yêu thích thể thao, hay tham gia các môn đá banh, bóng chuyền. Những ngày qua, M. cảm thấy vùng bìu hơi nhói nhưng cho rằng do chơi thể thao quá sức, hay rướn nhảy lên để đón bóng nên không nói với ba mẹ mà âm thầm chịu đựng. Tuy nhiên, khi cơn đau ngày càng tăng, bìu sưng lên rõ, M. mới bắt đầu lo lắng.
Do ngại ngùng, M. không dám chia sẻ với phụ huynh. Cậu bé vẫn tiếp tục chịu đau, hy vọng sẽ tự khỏi. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, M. đau đến mức không thể ngủ. Cuối cùng, cậu đành phải nói với mẹ. Ngay khi nghe con tâm sự, người mẹ lo lắng, vội vàng đưa con đi khám.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán M. bị xoắn tinh hoàn. Ca phẫu thuật cấp cứu được tiến hành lập tức. Tuy nhiên, do thời gian xoắn quá lâu, tinh hoàn đã bị hoại tử, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ. M. vô cùng hối hận vì đã không nói với cha mẹ về tình trạng bất thường sớm hơn.
Đừng vì xấu hổ mà trì hoãn đi khám
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - khuyến cáo về bệnh lý tinh hoàn ẩn ở trẻ em. Tinh hoàn ẩn là tình trạng 1 hoặc cả 2 tinh hoàn không di chuyển xuống bìu như bình thường sau khi trẻ chào đời. Thông thường, tinh hoàn sẽ di chuyển từ ổ bụng xuống bìu trong quá trình phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, quá trình này có thể bị gián đoạn, khiến tinh hoàn “mắc kẹt” ở vị trí khác như ống bẹn, thậm chí là ổ bụng. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng kỹ lưỡng vùng bìu và bẹn. Trong một số trường hợp, siêu âm sẽ được chỉ định để xác định vị trí của tinh hoàn.
|
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Đức - Trưởng khoa Thận Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đang thăm khám cho 1 bệnh nhi - Ảnh: T.N. |
Về điều trị, tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh, bác sĩ có thể theo dõi trong vài tháng đầu xem tinh hoàn có tự xuống bìu hay không. Nếu không có tiến triển, sẽ tiến hành các phương pháp điều trị khác. Các phương pháp điều trị tinh hoàn ẩn gồm theo dõi, điều trị nội tiết bằng hoóc môn hCG (hormone gonadotropin chorionic), phẫu thuật hạ tinh hoàn và nội soi ổ bụng. Phẫu thuật hạ tinh hoàn là phương pháp được lựa chọn hàng đầu, đặc biệt khi tinh hoàn nằm ở vị trí cao hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Nội soi ổ bụng thường được chỉ định trong trường hợp khám lâm sàng không tìm thấy tinh hoàn và cần xác định vị trí chính xác để phẫu thuật.
Trong khi đó, xoắn tinh hoàn là tình trạng cấp cứu đòi hỏi phải can thiệp y tế kịp thời. Nếu không được điều trị sớm, tinh hoàn có nguy cơ bị hoại tử và phải cắt bỏ.
Các triệu chứng điển hình của xoắn tinh hoàn bao gồm đau bìu đột ngột và dữ dội. Triệu chứng thường xuất hiện vào ban đêm, bìu sưng đỏ, buồn nôn và nôn. Một số trường hợp có thể chỉ cảm thấy đau bụng dưới. Do đó, khi trẻ có những biểu hiện trên cần được đưa đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời.
Thời gian vàng để cứu tinh hoàn xoắn là trong vòng 6 giờ đầu. Nếu không được điều trị, tinh hoàn có thể bị hoại tử và phải cắt bỏ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn gây ra những biến chứng tâm lý cho người bệnh (đau buồn, mặc cảm…).
Đối với những trường hợp đã mất một bên tinh hoàn, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý bảo vệ tinh hoàn còn lại, tránh các môn thể thao có tính đối kháng mạnh. Đồng thời, cần đưa trẻ đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe sinh sản và điều trị kịp thời nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Nguyễn Ngọc Tú - Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị gần 20 trường hợp xoắn tinh hoàn. Đây là một con số đáng báo động. Đặc biệt, tình trạng xoắn tinh hoàn có xu hướng gia tăng ở nhóm trẻ tuổi dậy thì.
Thống kê tại bệnh viện cho thấy, đa số trường hợp xoắn tinh hoàn đến khám đều trong tình trạng muộn, sau 24 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Điều này làm giảm đáng kể cơ hội cứu chữa tinh hoàn. Nghiên cứu cho thấy, nếu được phát hiện và điều trị trong vòng 6 giờ đầu, tỉ lệ cứu được tinh hoàn gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, tỉ lệ này giảm dần theo thời gian, chỉ còn khoảng 50% nếu phát hiện trong 6-12 giờ và chỉ còn 20% nếu phát hiện trong 12-24 giờ.
Theo phụ nữ TPHCM