Nam Sudan, Somalia, Guinea và Chad là 4 quốc gia cuối cùng tại châu Phi chưa tiến hành chiến dịch tiêm chủng PCV (vắc xin phế cầu liên hợp phòng ngừa bệnh lý nghiêm trọng gây ra bởi phế cầu khuẩn như viêm phổi, viêm màng não) - một trong những loại thuốc thiết yếu giúp bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

Chương trình Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu (dự án cộng tác bởi 145 quốc gia, trụ sở tại đại học Washington, bang Washington, Mỹ) ước tính: 40.000 trẻ em đã qua đời vì bệnh tật tại 4 quốc gia kể trên trong năm 2019. Con số thống kê lệch xa khỏi mục tiêu giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trước năm 2030 của Liên hiệp quốc.

leftcenterrightdel
 Trẻ sơ sinh được tiêm một mũi vắc xin ngừa các bệnh thường gặp tại thủ đô Mogadishu, Somalia. Tuy nhiên đến nay nước này vẫn chưa thể phân phối vắc xin PCV ngừa viêm phổi cho trẻ em - Ảnh: Getty


Căn bệnh “sát thủ” với trẻ em

Được biết đến như “sát thủ” nguy hiểm hàng đầu với sức khỏe trẻ em trên toàn cầu, viêm phổi cướp đi 700.000 sinh mạng mỗi năm. Căn bệnh biểu trưng cho tình trạng đói nghèo. Hầu hết số ca tử vong đều thuộc những quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Hầu hết số ca nhiễm vốn có thể được ngăn chặn từ sớm.

“Thật không công bằng khi người dân vẫn chưa tiếp cận được loại vắc xin thiết yếu này. Mỗi đứa trẻ đều có quyền được sống và phát triển khỏe mạnh” - bác sĩ Ubah Farah - cố vấn viên của Bộ Y tế Somalia - bày tỏ.

Bà nhấn mạnh, viêm phổi hiện là “mối đe dọa lớn” ở Somalia. Thế nhưng, PCV - giải pháp ngăn ngừa hiệu quả viêm phổi, lại có tiến độ phân phối chậm hơn hẳn vắc xin COVID-19. “Tại sao chúng ta không thể chủ động như thế vì trẻ em?” - bà Farah đặt câu hỏi và cho rằng “Đây là hành vi thiên vị”.

Giáo sư Fiona Russell - chuyên gia về chủng ngừa công tác tại đại học Melbourne và Viện Nghiên cứu Nhi khoa Murdoch (Melbourne, Úc) - cũng lên tiếng chỉ trích: “Đã có mấy ngàn đứa trẻ phải ra đi trong khi chờ đợi được tiêm chủng?”.

leftcenterrightdel
 Ảnh chụp X-quang lồng ngực một bệnh nhi mắc viêm phổi, căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu hiện nay với trẻ em - Ảnh: Getty


PCV ra mắt ở Mỹ từ năm 2000 và được dùng tại Nam Phi từ năm 2009. Đến nay, phần lớn quốc gia châu Phi đã có nguồn vắc xin và tiến hành các chiến dịch tiêm chủng ngừa bệnh hiệu quả.

Những mục tiêu khó khăn

Trong sự kiện gặp gỡ lần hai của Diễn đàn toàn cầu về bệnh viêm phổi ở trẻ em, diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha) cuối tháng Tư vừa qua, các phát ngôn viên đại diện Nam Sudan, Somalia, Guinea và Chad đã thông báo kế hoạch triển khai tiêm chủng PCV vào năm 2024. Nhà tài trợ của họ là Gavi - Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng, tổ chức hỗ trợ cung ứng vắc xin cho trẻ em thuộc những quốc gia nghèo nhất thế giới.   

3 năm trước, 4 quốc gia đã lên kế hoạch phân phối PCV hợp tác cùng Gavi, nhưng không thể đóng góp đủ nền tảng kinh phí để tiến hành chương trình tiêm chủng dù liên minh đã chịu phần lớn chi phí ban đầu. Năm ngoái, Gavi được đề nghị nên linh động hơn nhằm giảm tải sức ép về giá vắc xin đối với những nước nghèo.

Mặt khác, hàng loạt vấn đề nan giải phát sinh gần đây như đại dịch COVID-19, dịch Ebola, biến đổi khí hậu và xung đột xã hội đang “tấn công” trực diện hệ thống y tế các nước kể trên. Trước tình hình này, Gavi vừa đưa ra tuyên bố sẽ miễn hoàn toàn chi phí vắc xin cho những quốc gia đang đối diện khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.    

“Đây là một bước tiến cách mạng. Chúng tôi chưa từng miễn giảm chi phí cho những chương trình tiêm chủng vắc xin mới” - một quản lý cấp cao của Gavi cho biết. “Nguyên tắc chung của Gavi là, chúng tôi mong chính phủ các nước tìm biện pháp chi trả cho vắc xin. Vì đây là cách bạn xây dựng tư duy bền vững”.

Giáo sư Russell chia sẻ: “Ở những quốc gia thường xuyên đối mặt đói nghèo và xung đột, chính phủ dẫu rất muốn nhưng vẫn khó có đủ chi phí phân phối những loại vắc xin quan trọng. Điều này đồng nghĩa, viêm phổi hiện vẫn là mối đe dọa thường trực với trẻ dưới 5 tuổi. Và những nước nghèo càng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững do Liên hiệp quốc kêu gọi, để giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ em trước năm 2030”.

Theo phụ nữ TPHCM