ShutterStock

Cơn đau ở cơ bắp chân có thể khiến bạn cần phải kiểm tra tình trạng gan của mình.

Chuột rút cơ bắp thường bị bỏ qua trong các trường hợp bệnh gan. Nhưng có một dữ liệu y tế đầy đủ để chứng minh sự phổ biến của chuột rút cơ ở bệnh nhân xơ gan, theo Medical Daily.

Chuột rút cơ bắp là bệnh gì?

Theo tiến sĩ Atif Zaman, Giám đốc Khoa Gan lâm sàng tại Đại học Khoa học và Y tế Oregon (Mỹ), tỷ lệ chuột rút cơ ở bệnh nhân xơ gan dao động từ 22 - 88%.

Cho đến nay, cơ chế cụ thể của chứng chuột rút cơ bắp ở bệnh nhân xơ gan vẫn chưa được khám phá đầy đủ.

Nhưng có lý do để tin rằng sự chuyển hóa năng lượng, chức năng thần kinh, chất điện giải và thể tích huyết tương đóng một phần trong các cơn co thắt khó chịu của cơ bắp, đặc biệt là ở chân.
Một nghiên cứu vào tháng 3.2019, do các nhà nghiên cứu từ Khoa Tiêu hóa và Gan mật của Bệnh viện Đa khoa JA Hiroshima ở Hatsukaichi (Nhật Bản) thực hiện cũng cho thấy chuột rút cơ bắp là phổ biến ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính.

Chuột rút cơ bắp là bệnh đi kèm thường gặp trong bệnh gan mạn tính.

Mặc dù chuột rút cơ bắp ở bệnh nhân bị xơ gan đã rõ ràng, nhưng đối với bệnh gan mạn tính vẫn chưa được biết. Trong nghiên cứu này, các tác giả nhằm mục đích làm rõ sự phổ biến và đặc điểm của chuột rút cơ ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính.

Nhóm nghiên cứu đã điều tra về chuột rút cơ bắp, tần số, giờ xuất hiện, thời gian và mức độ đau ở 432 bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính, bằng bảng câu hỏi phỏng vấn y tế.

Kết quả cho thấy, tuổi trung bình của bệnh nhân là 65 tuổi và 48,6% bệnh nhân là nữ. Tỷ lệ chuột rút cơ bắp là 25,9%. Kết quả này cho thấy xơ gan có liên quan đáng kể với chuột rút cơ bắp.
Trong bệnh gan, chuột rút cơ bắp là rất thường xuyên, và mức độ nghiêm trọng và thời gian cũng mạnh hơn nhiều và lâu hơn so với viêm gan mạn tính.

Các phát hiện của nghiên cứu chỉ ra rằng các bệnh nhân nữ bị tiểu đường và mắc bệnh thận mạn tính thêm vào bệnh gan mạn tính có khả năng bị chuột rút cơ bắp. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường dễ bị chuột rút do giảm khối lượng cơ bắp.

Vì vậy, có lý do để tin rằng cơn chuột rút ở chân có thể là do bệnh gan.

Tuy nhiên, vẫn khó kết luận, vì chuột rút còn có thể do mang thai, tập thể dục cực độ và uống thuốc chống mỡ máu statin, theo NHS Inform.

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Cách duy nhất để tìm hiểu nguyên nhân thực sự của chứng chuột rút ở chân là đi khám bác sĩ.

Một số trường hợp chuột rút ở chân không thực sự đáng báo động. Nhưng nếu bạn cảm thấy chuột rút cơ bắp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và cản trở giấc ngủ, thì bạn không nên lãng phí thời gian nữa. Hãy đi khám bệnh ngay.

Theo Thanh Niên