1.Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi hay ung thư phế quản là một bệnh ác tính với khối u phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.
Hiện nay ung thư phổi đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong trên thế giới. Ở nước ta, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng gần 24.000 người phát hiện mắc mới và gần 21.000 người tử vong mỗi năm.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi, có thể kể tới những nguyên nhân gây ung thư phổi hàng đầu được biết đến bao gồm:
- Thuốc lá: Hút thuốc lá, kể cả hút thuốc thụ động là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn người không hút thuốc từ 6 – 30 lần. Có nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi và đã chỉ ra có đến 90% người mắc ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá.
– Ô nhiễm không khí, môi trường: Nghề nghiệp có tiếp xúc với các chất độc hại như amiăng, crom, sắt, asen, silic, thạch tín, niken, chất thải từ động cơ, khói bụi, tia xạ, … đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
– Ngoài ra còn nhiều yếu tố nguy cơ khác gây ung thư phổi.
3. Những tiến bộ trong chẩn đoán ung thư phổi
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, tiến triển rất âm thầm. Ở giai đoạn sớm bệnh hầu như không có triệu chứng rõ rệt, tỷ lệ chẩn đoán ở giai đoạn sớm là dưới 30%, các dấu hiệu chỉ xuất hiện khi khối u có kích thước đủ lớn và xâm lấn vào các tổ chức lân cận xung quanh, đa số những trường hợp phát hiện sớm là do tình cờ.
Những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm ung thư phổi. Người có dấu hiệu bất thường về hô hấp như ho kéo dài, ho khạc đờm dây máu, tức ngực, khàn tiếng, nuốt nghẹn, cảm giác khó thở hoặc toàn thân mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân thì cần phải đến các cơ sở y tế kiểm tra và sáng lọc để phát hiện sớm ung thư phổi.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư phổi:
3.1 Chẩn đoán hình ảnh:
– Chụp xquang phổi thường quy: là phương pháp cơ bản để phát hiện tổn thương ở phổi, qua đó xác định được vị trí, kích thước, hình thái tổn thương.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT): là phương pháp được chỉ định thường quy trong chẩn đoán ung thư phổi. Ngoài vai trò xác định đặc điểm tổn thương, đánh giá giai đoạn, tình trạng hạch trung thất, CT còn có vai trò rất lớn hướng dẫn sinh thiết xuyên thành để chẩn đoán mô bệnh học. Ngoài ra, chụp CT ngực liều thấp còn có giá trị trong việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi.
– Siêu âm ổ bụng: đánh giá tình trạng di căn gan, thận của ung thư phổi.
– Chụp MRI não: đánh giá tình trạng di căn não của ung thư phổi.
– Xạ hình xương: đánh giá tình trạng di căn xương của ung thư phổi.
– Chụp PET CT: đánh giá tổng thể tình trạng di căn toàn thân ngoài não, đặc biết với những khối u có chỉ định phẫu thuật, chụp PET CT trước mổ là rất cần thiết.
Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao
3.2 Nội soi phế quản:
– Nội soi phế quản ánh sáng trắng: sử dụng kỹ thuật nội soi phế quản thông thường đánh giá tình trạng tổn thương và sinh thiết làm mô bệnh học.
– Nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang: là kỹ thuật sử dụng nguồn sáng laser làm cho vùng phế quản bất thường nhạy cảm huỳnh quang sẽ thay đổi màu sắc, qua đó sinh thiết vị trí nghi ngờ. Đặc biệt với những trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma insitu) hay các tổn thương loạn sản khó có thể xác định bằng nội soi phế quản ánh sáng trắng đơn thuần.
– Nội soi phế quản siêu âm (EBUS): là kỹ thuật nội soi phế quản kết hợp thêm phương tiện siêu âm để quan sát, đánh giá các tổn thương cạnh phế quản như khối u cạnh phế quản, hạch rốn phổi, trung thất hoặc các tổn thương phổi ngoại vi – nơi mà nội soi thông thường khó có thể tiếp được.
– Nội soi phế quản sử dụng nguồn sáng NBI; Nội soi phế quản có định vị điện từ; Nội soi cắt lớp; Nội soi vi thể huỳnh quang/Laser đồng tâm: là những kỹ thuật hiện đại mới đang bắt đầu được sử dụng ở một số ít các nước trên thế giới.
3.3 Nội soi màng phổi:
Được sử dụng khi nghi ngờ có di căn màng phổi, nội soi màng phổi giúp khẳng định chẩn đoán giai đoạn trước điều trị.
3.4 Nội soi trung thất:
Gần đây, phương pháp này ít được sử dụng do tai biến nhiều và không hiệu quả bằng các phương pháp chẩn đoán khác.
3.5 Mô bệnh học
Là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán ung thư phổi, ngoài ra độ mô học còn giúp lựa chọn phương pháp điều trị và tiên lượng bệnh. Bệnh phẩm có thể được lấy qua sinh thiết xuyên thành ngực hoặc nội soi phế quản, sinh thiết hạch, dịch màng phổi, màng bụng…
Phân loại mô bệnh học:
Có 2 loại ung thư phổi là
– Ung thư phổi không tế bào nhỏ: chiếm 85%
– Ung thư phổi tế bào nhỏ: chiếm 15%
|
3.6 Các chất chỉ điểm u:
Một số chất chỉ điểm u như SCC, CEA, Cyfra 21-1, Pro-GRP, NSE trong máu tăng đóng vai trò tham chiếu định hướng đến ung thư phổi.
3.7 Các xét nghiệm gen và sinh học phân tử:
Hiện nay kỹ thuật giải trình tự gen dựa trên mô bệnh học giúp xác định đột biến gen EGFR, ALK, ROS1, MET… giúp lựa chọn các thuốc điều trị đích. Các dấu ấn sinh học PD-1, PD-L1 được sử dụng để dự báo khả năng đáp ứng của bệnh nhân với liệu pháp miễn dịch.
3.8 Sinh thiết lỏng (Liquid biopsy):
Đây là kỹ thuật không xâm lấn, săn tìm các phân tử DNA của tế bào ung thư trong máu. Qua đó có thể xác định được u nguyên phát, tổn thương di căn, đánh giá đáp ứng điều trị và tiên lượng bệnh.
Có nhiều phương pháp mới chẩn đoán hiệu quả và chính xác ung thư phổi
4. Chẩn đoán giai đoạn ung thư phổi:
– Điều trị ung thư phổi dựa theo giai đoạn, do đó việc xác định chính xác giai đoạn bệnh là rất quan trọng, vừa giúp lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất, vừa tiên lượng bệnh được chính xác nhất.
– Chẩn đoán giai đoạn bệnh dựa vào:
+ Vị trí và kích thước khối u.
+ Tổn thương hạch bạch huyết.
+ Tổn thương di căn.
– Ung thư phổi không tế bào nhỏ chia làm 4 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: là khi u còn nhỏ ≤ 4cm và chưa có bất kỳ tổn thương hạch bạch huyết nào.
+ Giai đoạn 2:
- Khối u ≤ 4cm với hạch rốn phổi/phế quản cùng bên.
- Khối 4 < u ≤ 5cm và có thể có hoặc không hạch rốn phổi/phế quản cùng bên.
- Khối 5 < u ≤ 7cm không có hạch
+ Giai đoạn 3: bất kể kích thước khối u có kèm theo hạch trung thất cùng bên hoặc hạch bên đối diện, nhưng chưa lây lan đến các cơ quan khác của cơ thể.
+ Giai đoạn 4: bất kể kích thước khối u có kèm theo tổn thương di căn đến các cơ quan khác của cơ thể (kể cả phổi đối diện và các cơ quan xa như não, gan, thận, xương…).
– Ung thư phổi tế bào nhỏ chia làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn khu trú: tổn thương chỉ ở 1 bên phổi, có thể có các hạch cùng bên.
+ Giai đoạn lan tràn: tổn thương đã lan sang phổi đối diện hoặc các tạng khác của cơ thể, kể cả hạch bạch huyết cũng lan tràn nhiều vị trí.
Tóm lại: Việc sinh thiết tổn thương lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh là rất quan trọng, nó cho phép xác định chính xác bệnh nhân có bị ung thư hay không.
Chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh là bước quan trọng để có thể xây dựng kế hoạch điều trị, lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân được hiệu quả nhất và tiên lượng bệnh chính xác nhất.
Xét nghiệm đột biến gen và sinh học phân tử là các kỹ thuật tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn liệu pháp điều trị nhắm trúng đích hoặc dự báo khả năng đáp ứng của bệnh nhân với liệu pháp miễn dịch.
Việc chẩn đoán chính xác sẽ giúp cho bác sĩ vấn lựa chọn các phác đồ điều trị tiên tiến và thích hợp nhất cho các bệnh nhân. Đồng thời giúp cho bác sĩ trong quá trình tiên lượng sự tiến triển của bệnh sát nhất với thực tế giúp cho việc điều trị bệnh ung thư phổi của bệnh nhân được hiệu quả nhất, kéo dài thời gian sống cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn