Với những trường hợp hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng) do một căn bệnh khác gây nên khi mắc phải một số bệnh nội khoa như tăng huyết áp, thiếu máu, xơ cứng động mạch não, một số chứng bệnh tai trong - bệnh Mènière, viêm tai trong ... cần đến bệnh viện để tập trung chữa trị các bệnh liên quan.

Bên cạnh đó, với những trường hợp, thỉnh thoảng bỗng nhiên bị hoa mắt, chóng mặt, thấy đầu nặng, tinh thần uể oải, mệt mỏi…có thể lựa chọn một trong số món ăn bài thuốc phòng ngừa, hỗ trợ điều trị và tăng cường sức khỏe.

Cháo thuốc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hoa mắt chóng mặt

Cháo cúc hoa: Bột cúc hoa 12g, gạo tẻ 120g, nấu cháo chín, cho bột cúc hoa vào, chia ăn trong ngày, liên tục từng đợt 7 ngày (1 liệu trình); nghỉ 5 ngày, có thể dùng tiếp 1 liệu trình mới.

Cháo ngó sen: Ngó sen 60g, thiên ma 9g, câu đằng 12g, thạch quyết minh 16g. Ngó sen cùng các vị thuốc đem sắc kỹ lấy nước bỏ bã, cho gạo tẻ vào nấu chín; chia ra ăn trong ngày, liên tục 10 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3 - 5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

Gợi ý công thức cháo củ sen cho bé hấp dẫn khiến con thích mê

Cháo ngó sen

Cháo tang thầm (quả dâu chín): Tang thầm tươi 60g (khô 30g), gạo tẻ 80g, đường phèn lượng vừa đủ. Nấu cháo ăn, ăn liền 5 - 7 ngày là 1 liệu trình; nghỉ 4 - 5 ngày, có thể dùng tiếp 1 liệu trình mới.

Cháo hạ khô thảo: Hạ khô thảo 20g, thịt lợn nạc 50g, gạo tẻ, gia vị lượng thích hợp. Thịt lợn nạc thái lát mỏng, cho vào nồi cùng với hạ khô thảo, gạo tẻ thêm nước nấu nhỏ lửa tới khi thịt cháo chín nhừ, chia ăn trong ngày, ăn liên tục 7 - 10 ngày là 1 liệu trình.

Cháo trần bì : Vỏ quít tươi 20g (khô 10g), ý dĩ nhân (hạt bo bo) 60g; nấu cháo ăn trong ngày, liên tục từng đợt 7 - 8 ngày (1 liệu trình); nghỉ 5 ngày, có thể tiếp tục 1 liệu trình khác.

Cháo vừng đen: Bột vừng đen 60g, gạo tẻ 100g. Gạo tẻ thêm nước nấu cháo, cháo chín cho bột vừng đen vào, chia ăn trong ngày, liên tục từng đợt 7 ngày (1 liệu trình); nghỉ 5 ngày, có thể dùng tiếp 1 liệu trình mới.

Cháo quyết minh tử: Quyết minh tử sao 10g, gạo tẻ 60g, đường phèn vừa đủ, nấu cháo ăn, ăn liền 7 ngày là 1 liệu trình; nghỉ 5 ngày, có thể dùng tiếp 1 liệu trình mới.

Cháo trúc nhự : Trúc nhự 9g, địa long 6g, trần bì 9g, ý dĩ nhân 20g; sắc kĩ các vị thuốc trúc nhự, địa long và trần bì, chắt lấy nước (bỏ bã), cho ý dĩ đã vo sạch vào nấu cháo, chia ăn trong ngày, liên tục từng đợt 7 ngày (1 liệu trình); nghỉ 5 ngày, có thể tiếp tục 1 liệu trình mới.

Cháo linh chi : Nấm linh chi 15g, xích tiểu đậu 18g, gạo tẻ 60g; nấu cháo ăn, liên tục từng đợt 7 ngày (1 liệu trình); nghỉ 5 ngày, có thể tiếp tục 1 liệu trình mới.

Thiên ma: Đặc điểm, tác dụng và bài thuốc trị bệnh

Vị thuốc thiên ma trị hoa mắt chóng mặt.

Cháo hà thủ ô: Hà thủ ô 60g, gạo tẻ 100g, đại táo (táo tàu) 6g, đường phèn 10g. Sắc hà thủ ô lấy nước (bỏ bã), đem nấu với táo tàu, gạo tẻ thành cháo; chia ra ăn trong ngày, liên tục từng đợt 7 ngày (1 liệu trình); nghỉ 5 ngày, có thể dùng tiếp 1 liệu trình mới.

Cháo sơn tra: Sơn tra tươi 60g (khô 30g), gạo tẻ 100g, đường phèn 10g. Sơn tra sắc kỹ lấy nước, bỏ bã, cho gạo nấu cháo, cháo chín cho đường phèn vào. Chia ăn trong ngày, ăn liền 7 ngày là 1 liệu trình; nghỉ 5 ngày, có thể dùng tiếp 1 liệu trình mới.

Cháo hoài sơn: Hoài sơn 100g, đảng sâm 10g, hoàng kỳ 10g, đại táo 8g, liên nhục (hạt sen) 10g, biển đậu 10g, khiếm thực 10g. Các vị sắc kỹ, bỏ bã, cho gạo tẻ vào gạo nấu cháo. Chia ăn trong ngày, ăn liền 7 ngày là 1 liệu trình; nghỉ 5 ngày, có thể dùng tiếp 1 liệu trình mới.

Cháo kỷ tử : Kỷ tử 16g, đương quy 12g, đại táo 8g, gà đen (gà ác) 1 con, nấu cháo ăn. Ăn liền 3 - 5 ngày là 1 liệu trình.

Theo suckhoedoisong.vn