leftcenterrightdel
 Dân số châu Á đang già đi nhanh chóng. Ảnh:Bloomberg.

Tỷ lệ sinh giảm là mối lo ngại lớn đối với một số nền kinh tế lớn nhất châu Á. Chính phủ các nước trong khu vực đang chi hàng trăm tỷ USD để cố gắng đảo ngược xu hướng này, nhưng liệu điều đó có hiệu quả, BBC đặt câu hỏi.

Nhật Bản bắt đầu đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con từ những năm 1990. Hàn Quốc bắt đầu làm điều tương tự từ những năm 2000, trong khi chính sách khuyến khích sinh đẻ của Singapore lần đầu được đưa ra từ năm 1987.

Giữa lúc chứng kiến dân số lần đầu giảm sau 60 năm, Trung Quốc đã gia nhập đội ngũ các quốc gia khuyến khích sinh đẻ - vốn ngày càng tăng.

Hàng trăm tỷ USD tiêu tan

Mặc dù rất khó để tính toán chính xác chi phí dành cho các chính sách khuyến khích sinh đẻ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gần đây cho biết nước này đã chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua để cố gắng tăng dân số. Tuy nhiên, năm ngoái, Hàn Quốc vẫn phá vỡ kỷ lục của chính mình về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Ở nước láng giềng Nhật Bản - quốc gia ghi nhận số ca sinh thấp kỷ lục vào năm ngoái - Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết tăng gấp đôi ngân sách cho các chính sách liên quan đến trẻ em.

Cố vấn thủ tướng Masako Mori hồi đầu tháng 3 cảnh báo việc không chặn đà trượt dốc sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm không chỉ cản trở tăng trưởng kinh tế, mà còn dẫn tới hệ thống lương hưu sụp đổ, gây áp lực tới các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và quốc phòng.

“Nếu tiếp tục đà này, đất nước sẽ biến mất. Chính những người phải sống trong quá trình biến mất đó sẽ phải đối mặt với tác hại to lớn”, Bloomberg dẫn phát biểu của bà Mori trong một cuộc phỏng vấn.

Trên toàn cầu, trong khi ngày càng có nhiều quốc gia cố gắng giảm tỷ lệ sinh, số quốc gia muốn tăng mức sinh đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 1976, theo báo cáo gần đây nhất của Liên Hợp Quốc. Vậy tại sao chính phủ các nước này lại muốn tăng dân số, BBC đặt câu hỏi.

Nói một cách đơn giản, số lượng người có thể làm việc và sản xuất nhiều hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù dân số đông hơn có thể đồng nghĩa với việc chính phủ phải tăng chi tiêu, điều đó cũng có thể mang lại nguồn thu thuế lớn hơn. 

Ngoài ra, dân số nhiều nước châu Á đang già đi nhanh chóng. Nhật Bản dẫn đầu với gần 30% dân số hiện ở độ tuổi trên 65, trong khi một số quốc gia khác trong khu vực cũng không khá hơn là bao.

Bên cạnh đó, khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, chi phí và gánh nặng chăm sóc những người không lao động sẽ tăng lên.

“Dân số tăng trưởng âm có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và kết hợp với tình trạng dân số già, người dân sẽ không đủ khả năng để chăm sóc những người già”, tiến sĩ Xiujian Peng, thuộc Đại học Victoria, nhận định.

Hầu hết biện pháp trong khu vực nhằm tăng tỷ lệ sinh đều giống nhau: Hỗ trợ tài chính cho cha mẹ mới sinh con, trợ cấp hoặc miễn phí giáo dục, xây dựng thêm nhà trẻ, ưu đãi thuế và mở rộng thời gian nghỉ phép của cha mẹ. Tuy nhiên, liệu những biện pháp này có hiệu quả, BBC đặt câu hỏi.

Dữ liệu trong vài thập kỷ qua từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cho thấy nỗ lực tăng dân số của họ mang lại rất ít tác động tích cực. Bộ Tài chính Nhật Bản đã công bố một nghiên cứu cho biết các chính sách đó đã thất bại.

Chuyên gia Alanna Armitage của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, nhận định nhìn từ lịch sử, những chính sách được gọi là “kỹ thuật nhân khẩu học” (demographic engineering), trong đó chính phủ cố gắng khuyến khích phụ nữ sinh nhiều con hơn, không mang đến hiệu quả.

“Chúng ta cần hiểu những yếu tố cơ bản quyết định tại sao phụ nữ không có con. Đó thường là do phụ nữ không có khả năng cân bằng công việc với cuộc sống gia đình”, bà nói thêm.

Không còn lựa chọn nào khác

Trong khi đó, Jung Chang Lyul, phó giáo sư về phúc lợi xã hội tại Đại học Dankook, nhận định biện pháp khuyến khích sinh đẻ bằng tiền mặt là “hoàn toàn không hiệu quả”. Theo ông Jung, vấn đề thực sự là việc chi phí cao để nuôi dạy một đứa trẻ và giá bất động sản tăng cao - đặc biệt là ở Seoul, Guardian đưa tin.

Ngoài ra, BBC cho biết còn có những câu hỏi lớn về cách thức tài trợ cho các biện pháp tốn kém này, đặc biệt là ở Nhật Bản, nền kinh tế phát triển nợ nhiều nhất thế giới.

Nhật Bản đang xem xét nhiều biện pháp, bao gồm bán thêm trái phiếu chính phủ (đồng nghĩa với việc tăng nợ), tăng thuế bán hàng hoặc tăng phí bảo hiểm xã hội.

Việc bán thêm trái phiếu chính phủ sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho các thế hệ tương lai, trong khi hai lựa chọn còn lại sẽ ảnh hưởng đến những người lao động vốn đang gặp khó khăn, và điều có thể thuyết phục họ sinh ít con hơn.

leftcenterrightdel
 Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Ảnh:Reuters. 

Tuy nhiên, giáo sư kinh tế Antonio Fatás tại INSEAD nhận định bất kể những chính sách này có hiệu quả hay không, các chính phủ vẫn phải đầu tư vào chúng. "Tỷ lệ sinh không tăng nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự hỗ trợ giảm đi. Điều đó có thể khiến tỷ lệ sinh còn thấp hơn nữa”, ông nói.

Chính phủ các nước cũng đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác để giúp nền kinh tế chuẩn bị đối phó với tình trạng dân số ngày càng giảm.

“Trung Quốc đầu tư vào công nghệ và đổi mới để bù đắp cho lực lượng lao động đang suy giảm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc thu hẹp dân số”, bà Peng nói. Ngoài ra, các nhà lập pháp một số nước đang thảo luận về việc thay đổi các quy định nhập cư để cố gắng lôi kéo lao động trẻ từ nước ngoài.

“Trên toàn cầu, tỷ lệ sinh đang giảm nên đây sẽ là cuộc đua thu hút những người trẻ tuổi đến và làm việc tại đất nước của các bạn”, bà Peng nói thêm.

Cho dù việc đổ tiền vào các chính sách sinh sản có giúp ích hay không, chính phủ nhiều nước trong khu vực dường như không có lựa chọn nào khác.

Theo zingnews