Châu Âu: 33.000 người chết mỗi năm do siêu vi khuẩn kháng thuốc
Cập nhật lúc 06:19, Thứ tư, 07/11/2018 (GMT+7)
Các bệnh nhiễm trùng do siêu vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc kháng sinh làm 33.000 người tử vong mỗi năm tại châu Âu và gánh nặng bệnh tật này tương đương với thiệt hại do các bệnh cúm, lao và HIV cộng lại gây ra.
Kháng thuốc trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với y học ngày nay.
Thông tin trên là kết quả nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC) công bố trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm ngày 5/11.
Nghiên cứu của ECDC cho thấy, ảnh hưởng của các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc gia tăng kể từ năm 2007, với sự gia tăng đáng ngại các trường hợp siêu vi khuẩn kháng phần lớn các kháng sinh mạnh nhất được dự phòng như phương án điều trị cuối cùng, gồm cả loại thuốc carbapenem.
ECDC nhấn mạnh: "Đây là điều đáng lo ngại vì hiện nay các thuốc kháng sinh này là phương án điều trị cuối cùng. Khi các thuốc này không có hiệu quả nữa, việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên vô cùng khó khăn, trong nhiều trường hợp là không thể điều trị được".
Các chuyên gia ước tính khoảng 70% vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng đã kháng ít nhất một loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị. Điều này đã khiến sự tiến hóa của các loại siêu vi khuẩn có thể kháng một hoặc nhiều loại thuốc trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với y học ngày nay.
Nghiên cứu của ECDC tập trung vào năm loại nhiễm trùng do các vi khuẩn kháng kháng sinh gây ra ở Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EU/EEA). Nghiên cứu này phát hiện khoảng 75% các bệnh do siêu vi khuẩn là do nhiễm trùng tại bệnh viện và các cơ sở y tế - còn được gọi là nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe (HAIs).
Nghiên cứu cho rằng, các chiến lược phòng ngừa và kiểm soát vi khuẩn kháng kháng sinh đòi hỏi sự phối hợp ở mức EU-EEA và toàn cầu. Ngoài ra, do số trường hợp nhiễm trùng và các chủng loại vi khuẩn kháng thuốc gây nhiễm trùng ở các nước khác nhau, cần có các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát khác nhau phù hợp với tình hình mỗi nước.
Theo Thế giới và Việt Nam