leftcenterrightdel
 

Số liệu thống kê tại các khu vực trên thế giới cho thấy, tỷ lệ mắc nghiện game toàn cầu ở mức 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ. Trong đó, châu Á có tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), châu Đại Dương (3,0%) và châu Âu (2,7%). Trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên có tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,6%).

Tại Việt Nam, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết có sự gia tăng các trường hợp đến khám, điều trị nghiện game, internet và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo. Lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10-24 tuổi.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp nghiện game vào chứng bệnh rối loạn tâm thần trong ICD-11 (Phân loại quốc tế về bệnh tật).

Theo đó, nghiện game được đặc trưng bởi các đặc điểm như: Chơi game một cách mất kiểm soát, tăng mức độ ưu tiên việc chơi game hơn các hoạt động khác, chơi game kéo dài bất chấp hệ quả tiêu cực…

Một người có thể được chẩn đoán là nghiện game khi những hành vi trên gây ra sự suy giảm đáng kể về hoạt động của cá nhân đó trong đời sống. Người nghiện game thường có những biểu hiện rõ ràng trong ít nhất 12 tháng.

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần khuyến cáo người chơi game, đặc biệt là lứa tuổi trẻ em và vị thành niên, nên kiểm soát lượng thời gian trong ngày dành cho hoạt động này./.

Theo vietnamplus