1. Chảy máu cam là gì?
Chảy máu mũi còn được gọi là chảy máu cam, là tình trạng có máu chảy ra từ một bên hoặc cả 2 bên mũi. Có khoảng 60% trên tổng số người trưởng thành có ít nhất là một lần chảy máu mũi, nhưng chỉ khoảng 6% cần can thiệp y tế.
Chảy máu cam được phân thành 2 loại là chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau, trong đó chảy máu mũi trước là phổ biến
2. Nguyên nhân chảy máu cam
Chảy máu cam ở trẻ em cao gấp 2 lần so với người trưởng thành. Nguyên nhân là do sự vỡ các mạch máu trong mũi, gây ra tình trạng chảy máu, chảy máu cam thường xảy ra đột ngột và khó xác định nguyên nhân rõ ràng.
Một số nguyên nhân chảy máu cam:
- Thời tiết khô, lạnh hoặc quá nóng gây giãn mạch máu làm mạch máu mẫn cảm và dễ vỡ.
- Các nhiễm trùng gây viêm: viêm mũi, viêm xoang…
- Chấn thương vùng mặt, mũi: bị tác động vật lý vào mũi, tai nạn gãy xương mũi, gãy vách ngăn mũi, vỡ xương hàm,…
- Thói quen ngoáy mũi gây tổn thương niêm mạc và mạch máu mũi.
- Dị vật rơi lọt vào mũi
- Các khối u trong mũi: u mạch máu dưới mũi, polyp mũi thể chảy máu, u xơ vòm họng, ung thư vòm họng
- Bị cảm lạnh, dị ứng, xì mũi liên tục với cường độ mạnh.
- Bị các bệnh cấp tính: cúm, sởi, thủy đậu, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét,…
- Bệnh về máu: xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, rối loạn chảy máu…
- Thiếu vitamin K, vitamin C giúp tăng cho độ bền của thành mạch.
- Sử dụng nhiều chất hóa học như cocain, aspirin, amoniac, thuốc kháng viêm, thuốc xịt mũi và một số thuốc gây dị ứng.
- Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu.
- Chảy máu mũi vô căn: khoảng 70% số bệnh nhân chảy máu mũi là vô căn (không tìm thấy nguyên nhân).
Ngoáy mũi mạnh rất dễ gây chảy máu.
3. Chảy máu cam thường xuyên dấu hiệu bệnh gì?
Các bác sĩ cảnh báo nếu chảy máu mũi thường xuyên, khó và lâu mới có thể tự cầm máu, đặc biệt là khi chảy máu mũi sau thì không nên chủ quan bởi đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm nào đó.
- Vẹo vách ngăn mũi
- Bệnh truyền nhiễm cấp tính: sốt tinh hồng nhiệt, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết,…
- U lành tính trong mũi: Thường có trệu chứng đi kèm như thể trạng yếu, da xanh xao, mờ mắt, nổi u cục bất thường hoặc biến dạng mũi,…
- U ác tính: Có thể là bệnh ung thư vòm họng, kèm theo các triệu chứng khác như: loét, viêm nhiễm trong mũi và họng, sức khỏe suy giảm, cơ thể gầy sút…
- Viêm mũi: Một số bệnh gây viêm nhiễm khoang mũi như viêm mũi, viêm xoang… cũng có thể dẫn đến chảy máu mũi.
U xơ lành tính thường gây chảy máu mũi thường xuyên.
4. Khi nào cần đi bệnh viện?
Đa số trường hợp bị chảy máu cam đều lành tính và có thể tự khỏi mà không cần điều trị, không quá nguy hiểm song nếu có dấu hiệu sau thì bạn nên đi khám bệnh viện càng sớm càng tốt:
- Chảy máu mũi kéo dài sau khi bị chấn thương vùng đầu hoặc mặt.
- Máu mũi chảy kéo dài trên 20 phút và không thể cầm máu.
- Chảy máu mũi liên tục, xảy ra nhiều lần trong thời gian ngắn không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu mũi kèm theo đau đầu, choáng váng, nôn nao.
- Chảy máu cam đi kèm với cơ thể xuất hiện nhiều vết bầm bất thường.
5. Làm cách nào để cầm máu khi bị chảy máu cam?
- Ngồi thẳng lưng và nghiêng người về phía trước: Cách tốt nhất là hơi nghiêng người về phía trước để ngăn máu chảy xuống cổ họng làm nghẹt thở hoặc nôn mửa ra máu. Tập trung thở bằng miệng và cố gắng giữ bình tĩnh.
- Không cầm máu quá mạnh: hãy dùng khăn giấy hoặc khăn ẩm để thấm máu một cách nhẹ nhàng khi máu chảy ra từ mũi.
- Xịt thuốc mũi: Thuốc xịt thông mũi có chứa thuốc có tác dụng co mạch máu trong mũi. Điều này không chỉ giúp giảm viêm và giảm tắc nghẽn mà còn có thể cầm máu.
- Bóp mũi: Bóp nhẹ phần thịt mềm của mũi dưới xương mũi trong khoảng 10 phút có thể giúp nén các mạch máu và cầm máu.
- Không cúi đầu xuống quá lâu: Cúi đầu xuống quá lâu có thể gây áp lực lên mũi. Nên làm việc nhẹ nhàng trong thời gian một vài ngày sau khi chảy máu cam.
- Chườm lạnh: Chườm túi đá bằng vải lên mũi có thể giúp co các mạch máu đồng thời làm giảm sưng nề, giảm viêm nếu gặp chấn thương. Lưu ý không để túi đá quá 10 phút để tránh làm tổn thương da.
6. Phòng ngừa chảy máu cam
Chảy máu cam thường khó kiểm soát. Tuy nhiên có thể phòng ngừa tình trạng này bằng những cách sau đây:
- Kiểm soát tốt huyết áp.
- Tránh dùng các chế phẩm có chứa aspirin.
- Làm ẩm không khí trong nhà và tại nơi làm việc nếu có thể.
- Tránh các hóa chất, bụi hoặc mang khẩu trang.
- Hạn chế ngoáy mũi quá nhiều, quá mạnh hoặc tác động tiêu cực đến mũi, vùng mặt.
- Không nên ngồi điều hòa quá lâu, cần thường xuyên thay đổi không khí sinh hoạt và làm việc.
- Thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, vệ sinh mũi đúng cách.
- Ăn uống đủ chất, đặc biệt là bổ sung đầy đủ vitamin C.
Theo suckhoedoisong.vn