Bệnh bạch biến khiến một vùng da trên cơ thể bị mất màu (đổi thành màu trắng) do mất chất hắc tố da (melanin). Vùng da mất màu (bạch biến) này có thể tăng theo thời gian khiến bệnh nhân thêm lo âu và mất tự tin.
Theo PGS.TS.BS. Wynn Huỳnh Trần (Los Angeles, Hoa Kỳ), bạch biến xảy ra khi tế bào hắc tố da không sản sinh ra hắc tố da nữa hoặc các yếu tố khác dẫn đến dây chuyền sản xuất và phân phối hắc tố da bị gián đoạn. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào trên cơ thể.
Nhìn chung, bạch biến hầu như ít ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân nhưng với những trường hợp bạch biến thể lan tỏa, các tổn thương đã lan rộng khắp cơ thể, đặc biệt là vùng mặt để lại những vết trắng đen loang lổ thì rất ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý bệnh nhân.
Vì bệnh bạch biến là một bệnh tự miễn nên việc áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất chống oxy hóa có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và hỗ trợ quá trình điều trị.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh bạch biến
Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học cụ thể nào cho thấy một chế độ ăn đặc biệt có thể chữa khỏi bệnh bạch biến nhưng việc cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ quá trình điều trị.
Tăng cường hệ miễn dịch: Một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, bao gồm cả các yếu tố liên quan đến bệnh bạch biến.
Cải thiện sức khỏe làn da: Các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa giúp nuôi dưỡng làn da, tăng cường độ đàn hồi, giảm viêm.
Hỗ trợ quá trình điều trị: Một chế độ ăn lành mạnh giúp cơ thể hấp thu thuốc tốt hơn, tăng cường hiệu quả điều trị.
Cải thiện tâm trạng: Ăn uống lành mạnh giúp người bệnh cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, một yếu tố quan trọng trong việc quản lý bệnh mạn tính.
Các lợi ích gián tiếp khác của việc tuân theo chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính, cải thiện tiêu hóa, cải thiện khả năng miễn dịch, kiểm soát cân nặng và kéo dài tuổi thọ.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho người bệnh bạch biến
Một số nghiên cứu cho thấy bệnh bạch biến được kích hoạt do căng thẳng đối với các tế bào sản xuất melanin của cơ thể, dẫn đến mất sắc tố. Căng thẳng oxy hóa (stress oxy hóa) là sự gián đoạn trong sự cân bằng giữa sản xuất và tích lũy các phân tử chứa oxy có thể nhắm mục tiêu sâu hơn vào các tế bào này.
ThS.BSNT. Nguyễn Mạnh Tân - Phòng Chỉ đạo tuyến, nhóm Chuyên đề Bạch biến và bệnh da giảm sắc tố, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết:
Hiện tại có rất ít các nghiên cứu đối chứng đánh giá vai trò của chế độ ăn uống trong phòng ngừa hoặc quản lý bệnh nhân bạch biến. Tuy nhiên, lại có nhiều cuốn sách, trang web và ấn phẩm khuyến nghị chế độ ăn kiêng không có căn cứ và các chất bổ sung cho vô số bệnh tự miễn dịch, bao gồm cả bệnh bạch biến. Các khuyến cáo về chế độ bổ sung trong bệnh bạch biến chủ yếu dựa trên thành phần và hàm lượng các chất chống oxy hóa của các loại thực phẩm bổ sung (bao gồm thức ăn, các thực phẩm chức năng và một số được coi là thuốc). Đồng thời khuyến cáo cũng nên tránh hoặc ăn kiêng một số loại thực phẩm gây nguy cơ dị ứng có thể làm trầm trọng hơn bệnh bạch biến.
Theo một đánh giá từ năm 2021, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng liệu pháp chống oxy hóa bằng đường ăn uống có thể có lợi cho các tình trạng da, bao gồm cả bệnh bạch biến. Tổng quan kết luận rằng chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin E, kết hợp với liệu pháp quang học (sử dụng tia cực tím) có thể giúp ích cho những người mắc bệnh bạch biến.
ThS.BSNT. Nguyễn Mạnh Tân cho biết, trong thời gian gần đây, phương pháp điều trị bổ sung và thay thế trong điều trị bạch biến rất được quan tâm. Với kiến thức hiện tại về stress oxy hóa và tự miễn dịch trong cơ chế bệnh sinh của bệnh bạch biến, thật hợp lý khi đề xuất rằng các tác nhân có đặc tính điều hòa miễn dịch và/hoặc chống oxy hóa có thể có lợi cho bệnh nhân mắc bệnh.
Các tác nhân như vậy có khả năng đóng vai trò là chất hỗ trợ cho liệu pháp thông thường với mục đích đạt được sự ổn định và tái tạo sắc tố của các tổn thương bạch biến. Cho đến nay, chất bổ sung đường uống là vitamin E và Gingko biloba được nghiên cứu nhiều nhất và có các thử nghiệm đối chứng cho thấy có vai trò trong điều trị kết hợp.
Bảng tổng hợp tóm tắt các chất chống oxy hóa có nghiên cứu và khuyến cáo với bệnh nhân bạch biến
Bổ sung |
Cơ chế |
Vai trò trong bạch biến |
Vitamin B12/folic acid |
Tổng hợp, sửa chữa DNA, methyl hóa DNA |
Có thể sử sụng đơn độc hoặc kết hợp với liệu pháp ánh sáng |
Vitamin C |
Chống oxy hoá/điều hòa miễn dịch |
0,5-2g/ngày có tác dụng chống oxy hóa mạnh |
Vitamin D |
Tăng trưởng và biệt hóa tế bào hắc tố/tế bào sừng
Ức chế tế bào T
Tăng sinh hắc tố
Điều hòa miễn dịch
|
Liều cao vitamin D có thể giảm mức độ hoạt động bệnh |
Vitamin E |
Thu dọn gốc tự do/ức chế đống máu liên quan tiểu cầu/chống oxy hóa/chống viêm |
Đơn độc hoặc phối hợp với liệu pháp ánh sáng giúp tái tạo sắc tố nhanh chóng với các tác dụng bảo vệ khỏi ánh sáng.
Giảm stress oxy hóa và tăng hiệu quả của liệu pháp ánh sáng
|
Zinc |
Chống oxy hóa/điều chỉnh biểu hiện gen/cofactor cho superoxide dismutase |
Có thể mang lại lợi ích khi kết hợp với steroid tại chỗ |
Phyllanthus emblica (amla fruit) |
Chống oxy hóa/kháng viêm/kháng khuẩn/kháng virus |
Giảm độc tính do ánh sáng từ liệu pháp quang học và tăng cường tái tạo sắc tố |
Gingko biloba |
Chất đối kháng yếu tố kích hoạt tiểu cầu/chống oxy hóa/chống viêm |
Làm chậm tiến triển bệnh |
Polypodium leucotomos |
Bảo vệ, chống oxy hóa, ức chế quá trình chết theo chương trình, điều hòa miễn dịch, giảm các cytokine tiền viêm |
Tăng tái tạo sắc tố ở vùng đầu và cổ khi sử dụng cùng liệu pháp quang học |
Piperine (animal studies) |
Kích thích tái tạo melanocyte
Tác động tới hình thành đuôi gai tế bào sắc tố
|
Tạo sắc tố trong melanocyte mới hình thành
Hiệu quả (không kết đồng thời với trị liệu bằng ánh sáng) ngăn chặn quá trình đồng phân quang hóa của piperine.
|
Green tea (epigallocatechin3-gallate) (animal studies) |
Chống oxy hóa/chống viêm/chống xơ vữa/chống ung thư
|
Giảm các cytokine tiền viêm
Điều hòa miễn dịch
|
3. Chế độ ăn lý tưởng cho người bệnh bạch biến
Người mắc bệnh bạch biến nên ưu tiên thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng nhất định sẽ giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Chất chống oxy hóa và acid béo omega-3 đã được chứng minh hữu ích trong việc hạn chế viêm nhiễm và thúc đẩy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, cũng như mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Nên ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là những hợp chất hạn chế quá trình oxy hóa, một phản ứng hóa học gây tổn hại cho các tế bào trong cơ thể. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và hạn chế tình trạng viêm.
Các loại trái cây và rau quả khác nhau chứa các chất chống oxy hóa khác nhau, vì vậy ăn nhiều loại trái cây và rau quả có màu sắc khác nhau có thể giúp tiêu thụ nhiều loại hợp chất này. Các loại trái cây như quả mâm xôi, dâu tây và các loại rau như cải xoăn, rau bina là những nguồn giàu chất chống oxy hóa.
Chất chống oxy hóa cũng có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác như quả hạch, các loại hạt, các loại ngũ cốc, gia vị...
Thực phẩm chứa acid béo omega-3
Ăn thực phẩm có chứa acid béo omega-3 có thể giúp hạn chế tình trạng viêm. Acid béo omega-3 cũng mang lại những lợi ích sức khỏe khác, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thực phẩm giàu acid béo omega-3 bao gồm cá có dầu và động vật có vỏ, chẳng hạn như cá cơm, cá trích, cá thu, trai, hàu, cá hồi, cá mòi, cá ngừ...
Các bác sĩ khuyên trẻ em và những người đang mang thai hoặc cho con bú nên ăn những loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp hơn.
Những nguồn acid béo omega-3 tốt khác có trong các loại hạt, đặc biệt là quả óc chó, hạt chia, hạt lanh, hạt cây gai dầu, rong biển, dầu có nguồn gốc thực vật như hạt lanh và dầu hạt cải.
Người bệnh bạch biến cần lưu ý về lượng nước tiêu thụ. Uống đủ nước giúp thải độc tố, duy trì độ ẩm cho da và hỗ trợ các chức năng của cơ thể.
Thực phẩm người bệnh bạch biến cần hạn chế hoặc tránh
Khi bị bệnh bạch biến, cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm có nguy cơ làm gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Ví dụ:
- Thịt chế biến sẵn như xúc xích và thịt nguội.
- Ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng, mì ống trắng và bánh ngọt.
- Thực phẩm chiên rán như khoai tây chiên, các món nhiều dầu mỡ.
- Đồ uống có đường như soda, nước ngọt, nước trái cây đóng sẵn.
- Món tráng miệng chứa đường và bột béo như bánh quy, kẹo, kem.
- Rượu bia, đồ uống có cồn.
Tốt nhất nên tránh các thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa. Năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cấm chất béo chuyển hóa ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ở nhiều quốc gia khác vẫn bổ sung chất béo chuyển hóa vào thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như đồ nướng thương mại, bơ thực vật (margarin).
Một số người mắc bệnh bạch biến có thể nhạy cảm hoặc không dung nạp gluten. Họ có thể được hưởng lợi từ việc tránh gluten, thường có trong lúa mì và bột mì làm từ lúa mì, kể cả bột mì đa dụng, lúa mạch, mạch nha làm từ lúa mạch, lúa mạch đen,... Người bệnh bạch biến nên nói chuyện với bác sĩ trước khi cắt gluten khỏi chế độ ăn uống để tìm hiểu những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của chế độ ăn không chứa gluten.
Các chuyên gia lưu ý, những người mắc bệnh bạch biến nên ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và tránh tuân theo một chế độ ăn kiêng đặc biệt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chất dinh dưỡng. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn phù hợp. Việc cải thiện tình trạng bệnh bạch biến cần thời gian và sự kiên trì. Người bệnh cần duy trì chế độ ăn lành mạnh trong thời gian dài để thấy được kết quả rõ rệt.
Lưu ý, chế độ ăn chỉ là một phần trong quá trình điều trị bệnh bạch biến. Người bệnh cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ như dùng thuốc, chiếu tia cực tím... để đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo suckhoedoisong.vn