1. Vai trò của chế độ dinh dưỡng với ung thư âm hộ
Ung thư âm hộ là loại ung thư phụ khoa gây ảnh hưởng tới chức năng sinh sản, chất lượng cuộc sống và nguy hiểm đến tính mạng của phụ nữ khi không phát hiện, điều trị kịp thời.
Theo BS Nguyễn Thị Song Hà, chuyên gia sản phụ khoa, nhiều năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, ung thư âm hộ bắt đầu ở trong âm môn, sau đó ảnh hưởng đến môi âm hộ, các nếp gấp da bên ngoài âm đạo. Trong một số trường hợp, bệnh có thể bắt đầu từ âm vật hoặc trong các tuyến ở hai bên âm đạo. Những yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh này là nhiễm virus Human papilloma hoặc tăng sản các biểu mô da có vảy ở phụ nữ trên 50 tuổi…
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và quản lý ung thư âm hộ. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, giảm thiểu tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị, tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.
2. Những thực phẩm nên và hạn chế với bệnh ung thư âm hộ
Chuyên gia sản khoa cho biết, chế độ ăn giàu dinh dưỡng và cân đối sẽ giúp người bị ung thư âm hộ tăng sức đề kháng, kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống trong quá trình điều trị.
Việc điều trị ung thư âm hộ cũng có thể khiến bệnh nhân bị chán ăn, mệt mỏi, và sụt cân. Do đó, một chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng và protein giúp duy trì cân nặng và cung cấp năng lượng cho cơ thể chống chọi lại bệnh.
2.1. Một số thực phẩm và dưỡng chất thiết yếu nên bổ sung cho người ung thư âm hộ
Tỏi: Theo các nhà khoa học, tỏi chứa rất nhiều thành phần axit béo phong phú giúp cải thiện sức khỏe, chống viêm nhiễm ở vùng kín và có tác dụng điều trị bệnh ung thư âm hộ. Trong các bữa cơm gia đình, khi chế biến, mọi người nên sử dụng thêm tỏi.
Trái cây giàu chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động của các gốc tự do, có thể hỗ trợ trong việc giảm sự phát triển của các tế bào ung thư và làm giảm tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị. Với người ung thư âm hộ, nên sử dụng các loại rau củ quả như cà chua, quả việt quất, dâu tây, rau chân vịt…
Rau xanh: Ngoài đẹp da, rau xanh còn cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất. Mỗi ngày ăn rau sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch cho phụ nữ từ đó tránh xa căn bệnh ung thư âm hộ.
Ngũ cốc: Cung cấp năng lượng bền vững và giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Các loại ngũ cốc tốt với người ung thư âm hộ như hạt lanh, hạt cải, dầu ô liu, đậu phụ, đậu đỏ, gạo…
Sữa chua: Theo các nhà nghiên cứu cho biết, sữa chua do chứa rất nhiều thành phần Acidophilus sống có tác động diệt vi khuẩn, ngăn ngừa bệnh ung thư âm hộ ở phái nữ cùng những căn bệnh viêm nhiễm ở đường tình dục khác.
Các thực phẩm dễ tiêu cũng giúp duy trì sức khỏe tốt, giảm các tác dụng phụ về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón… Khi lựa chọn sữa chua, nên tránh các loại sữa chua có hoa quả vì chúng được người chế biến bổ sung rất nhiều đường nên không tốt với người ung thư.
Thực phẩm giàu protein nạc: Cung cấp năng lượng, duy trì khối cơ bắp và hỗ trợ phục hồi sau điều trị. Chúng có nhiều trong thịt gà, cá, trứng, đậu lăng, đậu xanh, và các loại hạt.
2.2. Những thực phẩm nên hạn chế với ung thư âm hộ
+ Thực phẩm chế biến sẵn và chứa chất bảo quản: Thường chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và muối, dễ gây viêm và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ví dụ như đồ ăn nhanh, xúc xích, thịt hun khói, đồ hộp và snack đóng gói.
+ Đường tinh luyện và thực phẩm ngọt dễ gây tăng đường huyết và tạo môi trường không tốt cho sự hồi phục. Ví dụ: Bánh kẹo, soda, nước ngọt có ga, bánh ngọt và các loại thức uống có đường.
+ Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa có thể gây viêm nhiễm và làm tăng nguy cơ biến chứng. Chúng có nhiều trong đồ chiên, các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ.
+ Rượu và caffeine gây mất nước, ảnh hưởng đến giấc ngủ và có thể làm trầm trọng thêm tác dụng phụ của điều trị. Ví dụ: Cà phê, trà đặc, bia, rượu vang và các thức uống có cồn.
+ Thực phẩm chứa nhiều muối: Làm tăng nguy cơ mất cân bằng điện giải và có thể gây sưng viêm. Ví dụ: Đồ hộp, súp đóng hộp, đồ muối chua, và các món ăn chứa nhiều muối.
+ Thực phẩm gây đầy hơi và khó tiêu: Có thể làm nặng thêm các triệu chứng buồn nôn và khó chịu trong điều trị ung thư âm hộ. Ví dụ: Đậu hạt, bắp cải, súp lơ, hành tây, và các loại đồ uống có ga.
3. Lưu ý quan trọng cho bệnh nhân ung thư âm hộ về dinh dưỡng
+ Ăn thành nhiều bữa nhỏ giúp cơ thể giảm bớt cảm giác chán ăn và cung cấp năng lượng đều đặn.
+ Chế biến thực phẩm dễ tiêu hóa: Hấp, luộc hoặc nấu chín kỹ các món ăn sẽ dễ tiêu hóa hơn.
+ Tăng cường thức uống bổ sung: Sữa, nước ép rau quả và các loại nước giàu dinh dưỡng giúp cung cấp thêm dưỡng chất cho cơ thể.
+ Uống đủ nước giúp cơ thể thải độc và giảm cảm giác mệt mỏi. Trong quá trình điều trị, bổ sung nước và các loại đồ uống bổ sung điện giải tự nhiên như nước dừa, nước ép rau quả tươi… sẽ duy trì cân bằng nước và điện giải, giúp chống lại tác dụng phụ của điều trị.
Ngoài chế độ dinh dưỡng lành mạnh, để phòng tránh ung thư âm hộ, chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ cần tạo thói quen khám phụ khoa định kỳ 3 - 6 tháng/lần. Trước 26 tuổi hoặc trước khi bắt đầu quan hệ tình dục nên tiêm vaccine phòng ngừa virus HPV để tránh nguy cơ mắc ung thư phụ khoa; vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn.
Theo suckhoedoisong.vn